Một trong những mô hình tiêu biểu trong việc dạy nghề ở nông thôn gắn với giải quyết việc làm chính là mô hình đan cần xé tại xã Trường Thắng, huyện Thới Lai (Cần Thơ). Mô hình này sau một thời gian hoạt động hiệu quả đã phát triển thành lập HTX đan lát Quốc Noãn vừa đào tạo nghề lại giải quyết việc làm cho hàng trăm người, thu nhập tương đối ổn định.
Nhìn từ huyện Thới Lai
Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc HTX Quốc Noãn, cho biết: “Bắt đầu từ mô hình đan lát sau một thời gian hoạt động quy mô ngày càng lớn, số lượng lao động đến xin học nghề ngày càng nhiều, không chỉ giải quyết cho người trong xã mà còn nhiều xã lân cận đến học.
HTX đan lát Quốc Noãn vừa đào tạo nghề lại giải quyết việc làm cho hàng trăm người |
“Mặc dù lượng hàng đặt ở HTX nhiều nhưng để đảm bảo tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm chúng tôi chủ động đào tạo ra nguồn lao động đủ đáp ứng cho các đơn hàng”, ông Nà nói.
Bên cạnh mô hình này, theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Thới Lai, dự kiến năm 2020 huyện Thới Lai tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề trên địa bàn huyện từ đó có hướng đề xuất nhu cầu học nghề phù hợp.
Trong năm 2020 huyện Thới Lai sẽ đào tạo nghề cho 1.400 lao động nông thôn (trong đó khoảng 250 hộ là hộ nghèo, cận nghèo, chính sách).Với lĩnh vực nông nghiệp sẽ có 560 lao động, lĩnh vực phi nông nghiệp là 840 lao động. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 81.5%.
Đánh giá về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, huyện đã phối hợp với các cơ sở đào tạo bố trí giáo viên tương ứng với từng ngành nghề đào tạo, đảm bảo đúng chuyên môn và chất lượng giảng dạy.
Theo ông Hoàng, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các thành viên Ban chỉ đạo huyện, các xã, thị trấn và người lao động quan tâm, nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, đối với phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, và ổn định cuộc sống của người lao động sau học nghề.
Cùng với huyện Thới Lai, việc nâng tỷ lệ có việc làm sau dạy nghề cho lao động nông thôn ở các huyện lỵ khác đang được chính quyền Tp. Cần Thơ chú trọng với mục tiêu trong năm 2020 tổ chức đào tạo nghề cho 4.500 người. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tăng lên 85%.
Hiệu quả từ những mô hình
Năm ngoái, toàn Tp. Cần Thơ có 45 mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm đạt hiệu quả, tỷ lệ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề đạt 82%.
Hầu hết các cơ sở đều đáp ứng tốt về trang thiết bị để đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại cơ sở cũng như dạy nghề tại các xã, phường hay khu vực, ấp.
Điểm đáng ghi nhận là có khá nhiều mô hình kinh tế gắn dạy nghề với giải quyết việc làm đạt hiệu quả. Điển hình như mô hình đan lục bình, mô hình sản xuất lúa giống, mô hình may giỏ xách, mô hình tổ hợp tác may, mô hình liên kết với công ty sản xuất giày Taekwang tại khu công nghiệp Hưng Phú, mô hình liên kết với công ty TNHH Bình Tiên (Đồng Nai) - Chi nhánh Bitis’ Cần Thơ.
Năm 2020, Cần Thơ đặt mục tiêu tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tăng lên 85% |
Hoặc như ở huyện Phong Điền (Cần Thơ) có mô hình thành lập các HTX hoa kiểng, cây ăn trái, HTX Chanh không hạt tại ấp Trường Hòa ở xã Trường Long; Câu lạc bộ làm vườn (trồng vú sữa) ấp trường khương xã Trường Long; mô hình đan sọt trồng hoa kiểng…
Có thể thấy công tác xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Cần Thơ đang có nhiều kết quả tích cực, nâng cao mức sống của người lao động.
Đặc biệt là các mô hình người lao động được bao tiêu đảm bảo đầu ra sản phẩm, giúp họ yên tâm trong lao động sản xuất, tranh thủ thời gian nhàn rỗi để gia công sản phẩm.
Mặc khác, các mô hình liên kết với doanh nghiệp ở Cần Thơ để đào tạo và nhận vào làm tại doanh nghiệp sau khi học xong chương trình rất cần được phát huy. Hoặc một số mô hình nông nghiệp giúp người lao động tự tạo việc làm và cung cấp sản phẩm cho nhu cầu của địa phương...cũng cần được nhân rộng.
Thanh Loan