Sở LĐ-TB&XH Tuyên Quang vừa có báo cáo đánh giá thực trạng và dự kiến mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ huy động và lồng ghép mọi nguồn lực để nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở đào tạo, trường nghề.
Đào tạo theo nhu cầu
Tính đến hết năm 2020, tỉnh Tuyên Quang có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 1 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập thuộc cấp huyện quản lý, 2 trung tâm giáo dục và 1 cơ sở có tham gia hoạt động đào tạo nghề.
![]() |
Các trường nghề tỉnh Tuyên Quang đang chú trọng đào tào nghề theo nhu cầu xã hội. |
Theo lộ trình, Tuyên Quang sẽ xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang thành trường trọng điểm đào tạo công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề cao. Đến năm 2025, tỉnh đề xuất Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chính phủ phê duyệt thành trường chất lượng cao.
Trong thời gian qua, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định với mức thu nhập trung bình 5 - 15 triệu đồng/người/tháng đạt 85%.
Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để nắm bắt nhu cầu người học và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT. Mời lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia hội thảo về công tác đào tạo nghề tại nhà trường.
Đồng thời, trường cũng chủ động thực hiện liên kết, đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Từ đó, giúp nâng cao tỷ lệ học viên học xong có việc làm ngay, học viên đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Cùng với đẩy mạnh liên kết đào tạo, trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang còn tham gia tích cực vào công tác phân luồng hướng nghiệp. Bộ phận tuyển sinh của nhà trường đã đến các trường THCS, THPT tổ chức giới thiệu nghề nghiệp cho học sinh, nhờ đó nhiều học sinh đã sớm có lựa chọn ngành nghề phù hợp cho tương lai.
Xác định mục tiêu cụ thể
Em Trần Bạch Nam ở xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa thuộc hộ cận nghèo, điều kiện khó khăn nên học xong THCS em đăng ký lớp học nghề Điện Công nghiệp trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.
![]() |
Giáo dục nghề nghiệp tỉnh đang đặt mục tiêu cụ thể với nhiều giải pháp để hoàn thành. |
Nam chia sẻ, đến nay em đã bắt học năm cuối cấp. Khi học tập ở trường em được Nhà nước miễn học phí và hỗ trợ tiền sinh hoạt hàng tháng, nên đối với các gia đình khó khăn như gia đình em việc học nghề là phù hợp, giúp tiết kiệm chi phí và khi ra trường dễ xin được việc làm.
“Trong quá trình học tập, nhà trường còn mời các doanh nghiệp đến tư vấn tuyển dụng, em cũng đã tìm thấy một số công việc phù hợp và có ý định học xong sẽ nộp đơn xin đi làm việc”, Nam bộc bạch.
Nhờ hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, công tác giáo dục nghề nghiệp tỉnh Tuyên Quang những năm qua có chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2016 – 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo cho 48.004 người.
Trong đó, trình độ cao đẳng 459 người, 2.859 trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 44.686 người. Kết quả tuyển sinh và đào tạo nghề nghiệp đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 45,8% năm 2015 lên 60,3% năm 2020.
Có thể thấy, đến nay, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của Tuyên Quang đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực ở các cấp trình độ và đại diện ở các lĩnh vực ngành, nghề đào tạo.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và củng cố mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có là 11 đơn vị và dự kiến nâng tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp lên 12 cơ sở, trong đó 10 cơ sở công lập và 2 cơ sở ngoài công lập. Duy trì và đảm bảo năng lực đào tạo theo thiết kế đạt 14.500 người học/năm, với hơn 50 ngành, nghề gồm cấp trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp.
Cũng trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Tuyên Quang dự kiến thực hiện đào tạo mới và đào tạo lại cho trên 40.000 người, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng 1.500 người, trung cấp 4.350 người, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 36.150 người…
Để đạt mục tiêu, tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp, trong đó tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng. Đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp, tổ chức các hoạt động giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn…
Nhật Minh