Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chuyển đổi số đang trở nên cấp thiết để các trường nghề thích ứng với mọi hoàn cảnh, đồng thời là đòn bẩy thúc đẩy đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, bắt kịp xu thế của giáo dục toàn cầu. Những tác động của đại dịch chỉ là một trong những chất xúc tác khiến quá trình này được đẩy nhanh hơn tại các cơ sở đào tạo.
Có công nghệ, dễ tiếp cận
Trong suốt thời kỳ giãn cách do làn sóng Covid-19 lần thứ tư, hầu hết các khâu đào tạo từ tư vấn, gửi hồ sơ nhập học đến đóng tiền học phí và nhập học của Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội được tiến hành hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến.
Nền tảng công nghệ giúp các trường nghề dễ tiếp cận, định hướng nghề nghiệp đúng cho học sinh, sinh viên. |
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong tháng 8, trường tổ chức lớp học online “Tuần giáo dục đầu khóa, Đợt 1 - năm học 2021 – 2022” cho các em sinh viên mới hệ cao đẳng khóa 15 và hệ trung cấp khóa 50 và tiếp tục tổ chức các đợt nhập học trong tháng 9.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn do giãn cách, nhưng nhờ nền tảng công nghệ số, hệ cao đẳng của trường đã tuyển sinh được khoảng 60% chỉ tiêu và hệ trung cấp vẫn tiếp tục triển khai tuyển sinh đến cuối năm. Các em học sinh có nhu cầu học nghề chỉ cần truy cập website của trường là có đầy đủ thông tin và cán bộ tư vấn cụ thể”, ông Ngọc chia sẻ.
Tương tự tại Trường Cao đẳng Lào Cai, trong kỳ tuyển sinh năm 2021, trường đã nhận hồ sơ của 600 học sinh hệ cao đẳng, 1.100 hệ trung cấp, đạt khoảng 70%. Với đặc thù là tỉnh vùng cao, nên dù không có dịch bệnh, việc đi lại nộp hồ sơ, xin tư vấn của các em học sinh cũng gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đi lại, giao thông cách biệt…
Chính vì vậy, những năm qua, nhà trường đã chủ động kiện toàn hệ thống website, hotline, công tác tư vấn, tuyển sinh trên internet, vừa tạo thuận lợi cho học sinh phổ thông có nhu cầu học nghề, vừa giúp trường có điều kiện tiếp cận với nhiều đối tượng học sinh, sinh viên, nâng cao uy tín với phụ huynh, cán bộ hướng nghiệp ở địa phương.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các trường cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận, hướng nghiệp người học và xét tuyển bằng các kênh trực tuyến. Điều này vừa tiết kiệm chi phí cho nhà trường, học sinh, vừa tạo sức lan tỏa nhanh, mạnh hơn.
Chưa kể, các trường nghề cũng có điểm khác biệt là được phép tuyển sinh quanh năm và tổ chức tốt nghiệp thành nhiều đợt, cho nên có thể linh hoạt xây dựng các phương án tuyển sinh mà việc xét tuyển không cần tập trung vào một thời điểm.
Công nghệ số cũng sẽ được các trường nghề áp dụng vào nhiều khâu đào tạo nhằm nâng cao chất lượng lao động. |
Không chỉ trong công tác tuyển sinh, các khâu đào tạo cũng được nhiều trường nghề chú trọng ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng, trình độ cho học sinh, sinh viên học nghề.
Theo đó, các trường đang đẩy mạnh số hóa, xây dựng bài giảng, tài liệu điện tử để đào tạo trực tuyến… Việc đào tạo trực tuyến được thực hiện qua các công cụ dạy học trực tuyến theo thời gian thực (Microsoft Teams, Zoom, Webex, Google Hangouts Meet,…) hoặc theo hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp LMS (Learning Management System).
Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TP.HCM) hiện có quy mô đào tạo hơn 10.000 học sinh, sinh viên theo học với 24 ngành đào tạo trình độ cao đẳng và 7 ngành đào tạo trình độ trung cấp thuộc các lĩnh vực: công nghệ - kỹ thuật; kinh tế - dịch vụ và ngôn ngữ.
Trong 2 năm qua, dạy học trực tuyến, giao bài nhận bài qua hệ thống E-learning... là giải pháp được trường triển khai cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, có thể hoàn thiện, triển khai lâu dài.
Theo đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, mục tiêu đến năm 2030, cả nước có trên 600 cơ sở giáo dục chuyển đổi số hoàn toàn, 100% các trường nghề triển khai nền tảng dạy nghề trực tuyến.
Để hiện thực hóa, Tổng cục cần xúc tiến xây dựng hệ thống dữ liệu lớn toàn ngành, tạo các nền tảng công nghệ, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp và đặc biệt phải chuẩn bị nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Quá trình chuyển đổi số cũng bắt buộc phải gắn với doanh nghiệp.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đào Ngọc Hoàng Giang, Tổng giám đốc công ty cổ phần Thiết bị Sao Mai, gợi mở một trong những giải pháp xây dựng "trường học thông minh" phải được bắt nguồn từ xây dựng thư viện thông minh, bởi thư viện chính là trái tim, nền tảng cốt lõi, phục vụ mọi hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, tự học.
“Với thư viện thông minh, các trường có thể xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến phục vụ việc giảng dạy mọi lúc mọi nơi, hoạt động nhà trường sẽ trở nên linh hoạt hơn, thầy cô không cần đến lớp mà vẫn chia sẻ được tri thức đến người học", ông Đào Ngọc Hoàng Giang nhấn mạnh.
Lệ Chi