Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyển sinh được 142.226 người, trong đó trình độ cao đẳng 5.764 người, trung cấp 26.878 người, trình độ sơ cấp 109.584 người. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 74,2% năm 2019 lên 76,1% năm 2020, tỷ lệ lao động được cấp chứng chỉ đạt 33,4%.
Gắn chặt với nhu cầu doanh nghiệp, HTX
Ông Nguyễn Trung Thiện, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc cho biết, trước xu thế đào tạo gắn với nhu cầu thị trường, đặc biệt là của doanh nghiệp, HTX, trường đã áp dụng mô hình "đào tạo kép" (đào tạo song song giữa lý thuyết và thực hành).
Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đang được triển khai theo nhu cầu của doanh nghiệp, HTX. |
Theo đó, nhà trường mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến để chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp cho giáo viên và sinh viên các kỹ năng và công nghệ mới. Không chỉ chú trọng hoàn thiện các chương trình giảng dạy theo hướng chất lượng cao, trường còn tổ chức nhiều đợt đi thực tế tại các doanh nghiệp, HTX giúp học viên có cơ hội trao đổi, tiếp cận với thực tiễn.
Nhờ sự chủ động trong kết nối với doanh nghiệp, HTX, trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc hiện có một mạng lưới đối tác tuyển dụng rộng khắp, qua đó tăng cơ hội việc làm cho sinh viên.
Cụ thể, trong những năm qua, rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham dự lễ tốt nghiệp của trường để ký kết hợp đồng tuyển dụng trực tiếp với học sinh, sinh viên. Kết quả, trên 90% sinh viên tốt nghiệp của trường có việc làm ngay.
Thực tế cho thấy, trong hơn 5 năm trở lại đây, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phát triển đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo, tạo nhiều cơ hội cho người có nhu cầu học nghề.
Để thu hút, tuyển dụng lao động, một số doanh nghiệp, HTX đã chủ động đặt hàng, phối hợp với các cơ sở đào tạo, trường nghề để tuyển sinh, hỗ trợ đào tạo và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với người học.
Giai đoạn 2016 - 2020, hơn 80% người lao động được đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có việc làm với mức lương khởi điểm bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Lao động tay nghề cao ở các ngành nghề chủ lực như điện, hàn, cơ khí... có thu nhập 9 - 12 triệu đồng/tháng.
Liên kết “3 bên” để tạo đột phá
Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 100.000 lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020. Tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 5.200 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, thực tập sinh kỹ thuật ở Nhật Bản và có 7.337 hộ vay vốn tạo việc làm tại chỗ...
Liên kết Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, HTX sẽ là tiền đề để giáo dục nghề nghiệp bứt phá. |
Để có được thành công trên, tỉnh đã chủ động đẩy mạnh cơ chế phối hợp “3 bên” gồm Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, HTX. Trong đó, việc xác định, gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp, HTX được đánh giá là khâu đột phá tạo nên sự đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua.
Với những nền tảng đang có, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%, trong đó lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 40%. Đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 42% học sinh tốt nghiệp THCS và ít nhất 50% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học giáo dục nghề nghiệp.
Để đạt được những mục tiêu này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 17/9/2021 về đào tạo nghề giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn. Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tuyển sinh, đào tạo nghề cho 285.166 người. Bình quân mỗi năm tuyển sinh, đào tạo trên 57.000 người, trong đó tuyển mới khoảng 25.000 người.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo chương trình chất lượng cao, chú trọng các ngành nghề kinh tế mũi nhọn, các lĩnh vực quan trọng. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, HTX. Xây dựng các chương trình phối hợp gắn kết giữa trường nghề và đơn vị tuyển dụng…
Những cơ chế, chính sách mới, linh hoạt hứa hẹn sẽ tạo thêm động lực để chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm của Vĩnh Phúc đi vào thực chất. Qua đó, giúp cơ cấu lao động, cơ cấu việc làm trong tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực từ nông, lâm nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Hưng Nguyên