Ở tỉnh Đồng Nai, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đợt 4 diễn biến phức tạp, hoạt động tuyển sinh tại các trường cao đẳng nghề tính đến tháng 8 vừa qua đã đạt trên 50% chỉ tiêu.
Tuyển sinh giữa thế khó
Đơn cử như trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai tuyển sinh 450 chỉ tiêu hệ cao đẳng ở 8 nghề, bao gồm cả hình thức đào tạo liên thông. Hiện, nhà trường đã nhận được hơn 200 hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Các trường nghề cần tận dụng tốt “cơ hội vàng” từ chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |
Hoặc như trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 ở huyện Long Thành đã tuyển sinh được trên 50% chỉ tiêu hệ cao đẳng (hơn 400 hồ sơ).
Trường này đang hoàn thành các thủ tục để tuyển sinh 3 nghề mới gồm: kỹ thuật bảo trì máy bay, kỹ thuật sửa chữa cấu trúc máy bay và cắt gọt kim loại. Riêng nghề cắt gọt kim loại do Chính phủ Đức đặt hàng, sinh viên được miễn chi phí đào tạo, ăn ở và sau khi tốt nghiệp sẽ được đưa sang Đức làm việc.
Tuy thế, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hoạt động tuyển sinh của các trường cao đẳng nghề tại Đồng Nai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, dù cho các trường đang nỗ lực tuyển sinh theo hình thức trực tuyến.
Thực tế, việc chuyển đổi sang hình thức tuyển sinh trực tuyến cũng phần nào gặp thách thức lớn, nhất là với một bộ phận người học ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu vực có điều kiện kinh tế còn khó khăn vẫn chưa thật sự quen thuộc với phương thức tuyển sinh này.
Không những vậy, hoạt động tuyển sinh phần nào bị ảnh hưởng từ việc nhiều gia đình do tác động của dịch bệnh nên không còn tiền cho con em đi học ở các trường nghề.
Còn bản thân các em thì cũng tâm tư trước gánh nặng của gia đình, nên thay vì bước vào trường nghề thì chọn con đường đi thẳng tới các khu công nghiệp để làm việc. Nhất là có nhiều doanh nghiệp ngày càng tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với số lượng lớn, cả với đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 kỳ vọng, trước tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế gia đình, nhiều phụ huynh vẫn sẽ lựa chọn cho con đi học trường nghề để tiết kiệm thời gian, chi phí học tập. Và đó sẽ lợi thế về mặt tuyển sinh cho các trường nghề trong lúc này.
Thực tế cho thấy, con số tuyển sinh vào các trường cao đẳng nghề ở Đồng Nai hiện đạt trên 50% đã là đáng khích lệ khi dịch Covid-19 kéo dài trong những tháng qua đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tuyển sinh của hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước.
Theo số liệu gần đây từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến giữa tháng 8/2021, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước đã tuyển sinh được hơn 75.000 người học.
Con số này chỉ đạt khoảng 13% kế hoạch năm 2021 và bằng khoảng 83% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên tính đến tháng 8/2021 đã tuyển sinh, đào tạo cho khoảng 800.000 người (đạt 44% kế hoạch năm).
Tận dụng “cơ hội vàng”
Khó khăn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh là điều mà ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp muốn lưu ý trong lúc này, khi dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tuyển sinh.
Có thể nói, các trường nghề vốn dĩ đã chịu không ít thiệt thòi so với các trường đại học khi tuyển sinh, thì nay lại chồng chất thêm khó khăn do dịch bệnh làm cho việc tuyển sinh càng trở nên gian nan hơn.
Như tại TP Hà Nội, trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội hiện mới tuyển được hơn 1.000 sinh viên đăng ký nguyện vọng 1 trong tổng số 2.200 chỉ tiêu, trong khi những năm trước, trường tuyển sinh một lần là đủ hồ sơ đăng ký nhập học. Hoặc như Trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội hiện mới tuyển sinh được 170 học sinh trong tổng chỉ tiêu 700.
Vào thời điểm này, giới chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu tuyển sinh thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải nỗ lực, chủ động và sáng tạo hơn nữa.
Như ở các tỉnh phía Nam, vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đợt 4, nhiều trường cao đẳng nghề đã đẩy mạnh việc tư vấn tuyển sinh trực tuyến. Tại TP.HCM, trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn đã lập bộ phận tư vấn luôn túc trực từ 8h-20h, nhằm giải đáp mọi thắc mắc của thí sinh.
Trường này còn tạo một mã QR để chỉ cần quét qua, thí sinh sẽ gặp ngay đội ngũ tư vấn. Các hình thức tương tác từ xa với thí sinh cũng được trường duy trì tốt như điện thoại, Facebook, Messenger, Zalo.
Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, để gỡ khó cho việc tuyển sinh thì bản thân các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong lúc này cần tận dụng tốt “cơ hội vàng” từ chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Gói chính sách này có tổng kinh phí dự kiến là 4.500 tỷ đồng để dành cho công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, phục hồi và giữ chân người lao động hậu Covid-19 nhằm tạo động lực, giúp người lao động nâng cao kỹ năng nghề.
Do vậy, các trường nghề cần phải đẩy mạnh hoạt động tuyển sinh ở lĩnh vực này, chủ động tiếp cận người sử dụng lao động, các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo.
Về chính sách hỗ trợ nêu trên, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần phối hợp thật tốt với các doanh nghiệp để xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng.
Để thực thi chính sách hỗ trợ này tại địa phương, vừa qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh về thực hiện việc hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Theo đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Mức hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng, được tính theo thời gian học thực tế của tháng 7/2021 - 6/2022.
Thanh Loan