Cách đây 6 năm, anh Huỳnh Thanh Được, 30 tuổi là lao động nông thôn ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc xin vào làm tại bộ phận buồng của một khu du lịch trong huyện. Do chưa được đào tạo nghiệp vụ này nên anh gặp không ít khó khăn. “Tôi từng ấp ủ dự định đi học nghề du lịch ở Vũng Tàu nhưng công việc tại khu du lịch rất bận rộn nên chưa sắp xếp được thời gian”, anh Được nói.
Mô hình đào tạo tại chỗ
Vài tháng trước, khi Phòng Lao động thương binh xã hội huyện Xuyên Mộc phối hợp với trường Cao đẳng Nghề du lịch Vũng Tàu tổ chức lớp học nghề “Nghiệp vụ du lịch” ngay tại khu du lịch thì anh Được lập tức đăng ký ngay.
Học nghề nghiệp vụ du lịch giúp các lao động nông thôn ở Xuyên Mộc có việc làm ổn định. |
Lớp học này vừa hoàn thành sau 3 tháng giảng dạy và cấp chứng chỉ nghề cho 69 lao động nông thôn ở địa phương. “Lớp học này rất hữu ích đối với tôi”, anh Được cho hay.
Còn theo ông Lê Anh Đức, Trưởng Phòng hành chính - nhân sự của một khách sạn lớn, hiện có khoảng 80 lao động địa phương đang làm việc tại Xuyên Mộc, khi tuyển vào thì họ chủ yếu chưa có tay nghề nên đơn vị phải mất nhiều thời gian đào tạo mới đáp ứng được yêu cầu công việc.
"Từ khi có chương trình đào tạo nghề tại chỗ cho lao động nông thôn của ngành lao động thương binh xã hội huyện Xuyên Mộc, đã hỗ trợ cho khách sạn rất nhiều trong việc nâng cao tay nghề cho người lao động", ông Đức nói.
Là địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch nên những năm gần đây Xuyên Mộc thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư. Vì vậy, nhu cầu tuyển lao động có tay nghề của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tăng mạnh.
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Trưởng Phòng Lao động thương binh xã hội huyện Xuyên Mộc, để hỗ trợ doanh nghiệp nguồn lao động có tay nghề, huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp du lịch lớn tổ chức các lớp đào tạo nghề du lịch ngắn hạn cho hàng trăm lao động. Lao động sau học nghề đều được doanh nghiệp nhận vào làm việc với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài các lớp nghiệp vụ du lịch, hiện nay huyện Xuyên Mộc định hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo phương châm “Chỉ dạy nghề khi xác định được có việc làm và thu nhập cao hơn sau học nghề”. Với hướng đi này, huyện triển khai mô hình đào tạo nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Hồi năm 2019, toàn huyện có 840 lao động nông thôn có việc làm sau khi tốt nghiệp nghề, đạt tỷ lệ 100%. Trong 10 năm trở lại đây, huyện Xuyên Mộc đã phối hợp với 4 cơ sở đào tạo tổ chức được 73 lớp, 12 ngành nghề cho 2.139 lao động, trong đó có 1.766 lao động nông thôn.
Gắn học nghề với việc làm
Sau học nghề người lao động trong huyện đã áp dụng vào thực tiễn để sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt giúp thành viên HTX Nhân Tâm chuyển đổi trồng nhãn xuồng cơm vàng theo quy trình VietGAP. |
Trong thời gian tới, huyện Xuyên Mộc sẽ tập trung rà soát nhu cầu học nghề của người lao động và tăng cường liên kết để mở rộng ngành nghề đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Một số nghề dự kiến sẽ đào tạo trong năm 2020 như đan lục bình, may công nghiệp, nhưng qua khảo sát không còn phù hợp với nhu cầu của người lao động trên địa bàn nên huyện sẽ không tiếp tục tổ chức.
Ngoài ra, việc đào tạo nghề ở khu vực kinh tế hợp tác cũng được huyện Xuyên Mộc chú trọng nhằm giúp thành viên HTX ứng dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ở Xuyên Mộc thì HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Nhân Tâm tại xã Hòa Hiệp là một trong những HTX điển hình tiên tiến của huyện. Nhiều năm qua, nhờ các thành viên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt đã giúp HTX là đơn vị tiên phong chuyển đổi trồng nhãn xuồng cơm vàng theo quy trình VietGAP, từng bước xây dựng thương hiệu cho trái nhãn xuồng “Made in Bà Rịa - Vũng Tàu”.
Ông Phan Thế Hoành, Giám đốc HTX Nhân Tâm cho biết: HTX có 19 hộ trồng nhãn xuồng cơm vàng với diện tích khoảng 16,8ha (trong đó có 6,8ha được chứng nhận VietGap), năng suất trung bình khoảng 6-8 tấn/ha. Nông sản của người dân được bảo đảm đầu ra ổn định, giá cao gấp 2-3 lần so với trước đây.
Tham gia HTX này, các thành viên còn được tập huấn kiến thức, kỹ thuật về cách chăm sóc, cách phòng dịch bệnh và được chia sẻ liên kết thị trường, mở rộng quy mô sản xuất... Nhờ đó, nhiều năm nay trái nhãn xuồng cơm vàng của HTX đã vào được hệ thống siêu thị trong cả nước và tạo được thương hiệu uy tín trên thị trường.
Thanh Loan