Hộ anh Điểu Phú Đông (người dân tộc S'tiêng) ở thôn Bù Ka 1, xã Long Hà, huyện Phú Riềng mới thoát nghèo đầu năm 2020. Trước đây, gia đình anh thuộc diện nghèo khó nhất nhì thôn, nguyên nhân do không có đất sản xuất, anh phải đi làm thuê kiếm sống.
Tạo sinh kế cho người dân tộc thiểu số
Gần đây, sau khi được hỗ trợ vay vốn mua bò giống về nuôi và chịu khó tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò nên đàn bò của gia đình anh phát triển tốt.
Chính quyền địa phương hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số ở Phú Riềng thoát nghèo với nghề chăn nuôi bò. |
Ngoài thời gian chăn nuôi bò, vợ chồng anh Đông còn xin vào làm công nhân cho các xưởng điều trong xã, với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Có thu nhập ổn định từ làm công nhân và chăn nuôi bò đã giúp gia đình anh Đông thoát nghèo bền vững.
Nghề chăn nuôi ở xã Long Hà được đánh giá có nhiều triển vọng phát triển tốt, có thể giúp đồng bào dân tộc thiểu số và lao động địa phương có cuộc sống sung túc hơn.
Trong tháng 10/2020, ở xã Long Hà đã khởi công dự án Trang trại heo thịt ứng dụng công nghệ cao Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài) trên diện tích gần 40ha. Dự án mỗi năm sẽ cung ứng cho thị trường hơn 130.000 con lợn thịt sạch, tương đương hơn 14.000 tấn.
Sau khi đưa vào hoạt động, dự án này được kỳ vọng sẽ đào tạo được nguồn lực có chuyên môn về chăn nuôi cao, có kinh nghiệm vận hành hệ thống theo công nghệ hiện đại và tạo ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Hoặc như mới đây, Hội Nông dân xã Phú Riềng phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Phước đã hoàn thành lớp đào tạo nghề chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò năm 2020 tại thôn Phú Hòa, xã Phú Riềng.
Những người tham gia lớp học này là người đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn Phú Hòa, Phú Thuận, Phú Bình thuộc xã Phú Riềng. Đây là những hộ mới thoát nghèo được huyện cấp bò sinh sản năm 2019 của dự án hỗ trợ thoát nghèo bền vững.
Qua lớp học này, các lao động là người dân tộc thiểu số đã được truyền đạt những kiến thức cơ bản về quy trình nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; cách sử dụng dụng cụ thú y đúng kỹ thuật; biết nhận dạng con giống; phân biệt, sử dụng thuốc thú y đúng liều, đúng cách khi điều trị bệnh và chẩn đoán lâm sàng được các loại bệnh thông thường của vật nuôi trong quá trình chăn nuôi tại hộ gia đình.
Cần hình thành thêm các Tổ hợp tác chăn nuôi
Ở xã Phú Riềng có anh Phạm Văn Lượng, 30 tuổi, nhờ chịu khó học hỏi nghề chăn nuôi đã giúp anh khởi nghiệp và làm chủ trang trại “chăn nuôi bò sinh sản khép kín” với diện tích 1,3 ha tại thôn Phú Thịnh.
Các hộ nuôi ở Phú Riềng được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê. |
Biết ứng dụng các kiến thức đã học vào thực tế đã giúp anh Lượng thiết lập hệ thống tưới nước tự động, áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi đàn bò giống và gia cầm.
Đến nay đàn bò của gia đình anh Lượng đã phát triển hàng chục con và diện tích đồng cỏ của gia đình đã mở rộng thêm 1,3ha cung cấp đủ thức ăn cho đàn bò giống. Ước tính trung bình mỗi năm sau khi trừ đi chi phí, trang trại của anh thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.
Thời gian qua, trong đề án giảm nghèo bền vững với mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống 2,1% vào năm 2020 và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Phú Riềng thì nghề chăn nuôi đã và đang được huyện chú trọng, nhất là tổ chức các lớp đào tạo nghề chăn nuôi, tập huấn chuyển giao, hướng dẫn cán bộ cơ sở, gia đình được hưởng về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, lập kế hoạch kiểm tra định kỳ.
Hiện nay hoạt động sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Phú Riềng phát triển mạnh với gần 2.400 con bò, 2.250 con dê và hơn 13.000 con lợn (tổng sản lượng trên 2.450 tấn thịt) cùng hơn 263.000 con gia cầm với sản lượng thịt đạt hơn 817 tấn và trên 2,7 triệu quả trứng.
Theo giới chuyên gia, để nghề chăn nuôi ở huyện Phú Riềng phát triển tốt hơn nữa thì rất cần hình thành thêm các Tổ hợp tác, HTX chăn nuôi. Đây là mô hình phù hợp điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khai thác tối đa tiềm năng của huyện.
Nhất là khi những hộ chăn nuôi trên các xã của huyện Phú Riềng tham gia vào các mô hình Tổ hợp tác, HTX sẽ giúp cho họ gắn kết hơn, cùng giúp nhau phát triển kinh tế gia đình và có nhiều cơ hội tham gia vào các lớp tập huấn, đào tạo nghề chăn nuôi nhằm ứng dụng tốt các kỹ thuật về chăn nuôi giúp mang lại năng suất cao.
Thanh Loan