Theo đó, các chuyên gia cho rằng trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa với nhiều cơ hội và thách thức, công tác giáo dục nghề nghiệp trên cả nước cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để không chỉ đảm đương trách nhiệm đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất – kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.
Nắm bắt xu hướng nhân lực
Với khoảng 4.400 sinh viên đang theo học, ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II cho biết, trong nhiều năm qua, nhà trường trong tình trạng “cung không đủ cầu” khi đào tạo không kịp nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp.
Đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường là điều kiện tiên quyết để trường nghề phát triển. |
Ông Cường cho hay, việc đặt vị trí tại tỉnh Đồng Nai, nơi có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất là điều kiện thuận lợi giúp trường có đầu ra thuận lợi cho học viên, tuy nhiên quan trọng là trường đã và đang nắm bắt tốt nhu cầu của địa phương, xu hướng thị trường lao động của vùng.
Theo ông Cường, Lilama II đang đào tạo theo cơ chế đặt hàng theo giá tính đúng, tính đủ. Nguồn thu chính đến từ doanh nghiệp với mô hình đưa sinh viên đến thực tập, đào tạo kép giữa trường với doanh nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho doanh nghiệp để tạo giá trị gia tăng.
“Trước đây, chỉ khi doanh nghiệp tìm đến thì chúng tôi mới đào tạo, nhưng hiện nay, chúng tôi phải đi thực tế tới doanh nghiệp để đánh giá, tư vấn cho họ đào tạo về lĩnh vực gì đảm bảo tăng năng suất cho doanh nghiệp. Đây là sự thay đổi về tư duy đào tạo mà bất kỳ trường nghề nào cũng cần cân nhắc”, ông Cường nhấn mạnh.
Dẫu vậy, Hiệu trưởng Lilama II khẳng định, việc hợp tác này không hề đơn giản, vì ban đầu, khi doanh nghiệp không hiểu, nhà trường phải giới thiệu cách triển khai, đưa cán bộ đến doanh nghiệp trực tiếp đào tạo, thuyết phục để họ thấy rõ lợi ích của việc hợp tác và tìm hiểu rõ nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp…, từ đó dần gắn kết với doanh nghiệp.
Hiện nay, mạng lưới đối tác của Lilama II gồm khá nhiều tập đoàn quốc tế như Lincoln Electric (Mỹ), Siemens (Đức), Rexroth (Đức), EBG (Đức), GMI (Malaysia)... Thay vì đưa nhân lực ra nước ngoài đào tạo, các tập đoàn này đã chọn tin tưởng Lilama II.
Những kết quả này cho thấy, nếu chủ động thay đổi phương thức đào tạo vùng với tư duy năng động, các trường nghề hoàn toàn có thể nâng hiệu quả hoạt động và khẳng định thương hiệu. Việc hợp tác với doanh nghiệp không chỉ giúp trường nghề ổn định đầu ra, mà còn là cánh cửa mở ra các cơ hội hợp tác.
Tiếp cận trình độ quốc tế
Bên cạnh sự thay đổi tư duy trong cách tiếp cận doanh nghiệp, việc tiếp cận trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế cũng là nhân tố quan trọng để các trường nghề trên cả nước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Đào tạo theo chuẩn quốc tế giúp sinh viên trường nghề nâng cao trình độ, tăng cơ hội việc làm. |
Khảo sát tại chương trình đào tạo kỹ sư thực hành quốc tế chuyên ngành kỹ thuật điện theo tiêu chuẩn CHLB Đức (gọi tắt là chương trình Five) đang được đào tạo tại Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội (HACTECH) thì 100% sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm ngay với mức lương khởi điểm từ 10 triệu đồng.
Trong đó, có khoảng trên 30% sinh viên của trường cho biết sẽ tìm kiếm cơ hội để sang Đức làm việc. Nhiều nhà tuyển dụng như Samsung, Unilever, Nhà máy hóa lọc dầu Nghi Sơn, thang máy Schindler Việt Nam... đều đánh giá rất cao chất lượng nguồn nhân lực từ chương trình Five.
Được biết, chương trình Five được đào tạo tại HACTECH từ năm 2017, hiện tại đã đào tạo được 4 khóa với gần 100 sinh viên tốt nghiệp. Bắt đầu từ năm 2020, chương trình Five được đào tạo kết hợp với chương trình chất lượng cao để rút ngắn thời gian học mà sinh viên vẫn nhận được bằng tốt nghiệp của Đức. Đây được cho là một trong những chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế thành công điển hình ở Việt Nam.
Sinh viên Nguyễn Thế Hưng, sinh viên theo học chương trình Five 20, chia sẻ Five khác hẳn so với chương trình trong nước, đội ngũ giảng viên làm chủ được các giáo trình, bài giảng của Đức, sinh viên muốn theo học phải có năng lực và đam mê.
Chương trình cũng là cầu nối để sinh viên tham gia thị trường lao động quốc tế, nơi có thể đem về mức lương cao và nhiều cơ hội phát triển hơn. Nếu sinh viên được sang Đức học một kỳ theo hình thức trao đổi thì chất lượng sinh viên sẽ càng tăng thêm.
Thành công của tại Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội cho thấy nếu có thêm các chương trình nghề quốc tế thuộc nhiều quốc gia được đưa vào các trường nghề thì sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn hơn cho sinh viên, tăng cơ hội việc làm, thu nhập cao cho lao động sau khi tốt nghiệp trường nghề.
Theo các chuyên gia, xu hướng đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế không chỉ là lối ra cho các trường nghề tại Việt Nam mà còn là dịp để tiếp cận nhanh với trình độ lao động quốc tế. Đội ngũ lao động tốt nghiệp từ chương trình tự tin làm việc tại các công ty xuyên quốc gia, có nền tảng để trở thành kỹ sư cấp cao hoặc quản lý.
Mỹ Chí