Trước đây trên khu đất quanh vườn nhà của bà Nguyễn Thị Thỉ, thôn Đại Hào, xã Triệu Đại chỉ trồng các loại cây màu nhưng hiêu quả kinh tế mang lại không cao. Cuối năm ngoái, bà được tham gia lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cúc. Sau đó bà mạnh dạn cải tạo vườn để trồng loại hoa này.
Nông dân “thu lãi” nhờ học nghề
“Tuy phải bỏ nhiều công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Với 2.000 cây cúc trồng trong khoảng thời gian 3 tháng, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi hơn 6 triệu đồng. Với khoản tiền này gia đình có đồng ra đồng vào cho con ăn học”, bà Thỉ tâm sự.
![]() |
Một lớp dạy nghề trồng hoa cúc ở xã Triệu Đại. |
Lớp học nghề trồng hoa cúc do Hội Phụ nữ xã Triệu Đại phối hợp với Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã mở cho bà Thỉ và hàng chục phụ nữ khác trong xã. Thông qua lớp học này, các lao động địa phương đã có được những kiến thức về khoa học kỹ thuật, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hoặc như chị Phan Thị Lành ở xã Triệu Thượng sau khi được Hội Nông dân hỗ trợ đi học hỏi nghề trồng chanh leo, chị về nhà áp dụng vào thực tế và hiện nay vườn chanh dây cho năng suất cao từ 5 – 7 tạ/sào (thu hoạch đợt 1), giá cả ổn định, dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Chị Lành tâm sự: “Nhờ chịu khó đi học hỏi mà gia đình tôi đã tiến hành chăm sóc chanh dây đúng quy trình kỹ thuật nên cây phát triển tốt, đã cho thu hoạch. Chúng tôi nhận thấy cây chanh dây bước đầu rất phù hợp với vùng đất cát pha ở Triệu Thượng”
Hay như anh Nguyễn Hữu Trung, ở xã Triệu Ái và một số người trong thôn đã tìm đến Trung tâm dạy nghề huyện để học nghề sửa chữa máy móc. Sau thời gian được giáo viên hướng dẫn, anh Trung đã có thể đoán được “bệnh” của máy để sửa chữa.
Theo anh Trung việc học nghề sửa chữa không chỉ phục vụ riêng cho gia đình, mà thời gian tới, gia đình sẽ mở cửa hàng sửa chữa và mua bán phụ tùng các loại máy phục vụ nông nghiệp nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
Hiện nay, ở xã Triệu Ái đã có hơn 40 hộ nông dân được tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Triệu Phong tổ chức.
Sau khi được đào tạo, hầu hết mọi người đều nắm được những kiến thức cơ bản về máy móc có thể tự sửa chữa máy cho gia đình, tiết kiệm và giảm chi phí sửa chữa… từ đó nâng cao được năng suất và giá trị lao động.
Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo
Không chỉ ở xã Triệu Ái mà nhiều người dân ở xã Triệu Trạch cũng được Trung tâm của huyện đào tạo các nghề như nghề trồng rau an toàn, kỹ thuật chăn nuôi, thú y…
Theo đánh giá, Triệu Phong là một trong những huyện đi đầu trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Rất nhiều lao động nông thôn ở huyện sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng đã tìm kiếm được việc làm ổn định, qua đó thấy được hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động ở địa phương
Ngoài ra, trong 5 năm trở lại đây, huyện Triệu Phong đã có 1.386 người tham gia xuất khẩu lao động ở các nước như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc….. trong đó nhiều xã có đối tượng tham gia xuất khẩu lao động nhiều như: xã Triệu An, Triệu Phước, Triệu Độ, Triệu Lăng, Triệu Vân…, ngoài các thị trường trên nhiều lao động trong huyện còn đi làm việc tại thị trường Lào.
![]() |
Nhiều nông dân ở Triệu Phong sau khi học nghề đã ứng dụng vào các mô hình sản xuất nông nghiệp. |
Hiện nay, huyện Triệu Phong đang tập trung đào tạo, khuyến khích người lao động tham gia các lớp học nghề để không những tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện và tỉnh.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển kinh tế tập thể và chú trọng công tác dạy nghề cho người dân nông thôn ở lĩnh vực này. Hiện trên toàn huyện có 90 HTX hoạt động với 21.356 thành viên. Những HTX nông nghiệp sau khi chuyển đổi, mở thêm các dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao cho thành viên.
Các HTX đã có nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ xã viên về cây, con giống mới, chú trọng để các thành viên tham gia các lớp học hướng dẫn áp dụng khoa học kĩ thuật để phát triển kinh tế.
Điển hình như mô hình hoạt động của HTX Canh tác tự nhiên Triệu Phong đã mang lại thu nhập cao và ổn định cho hàng trăm hộ gia đình thành viên trên địa bàn huyện.
Hoặc như HTX nông nghiệp Triệu Thuận hiện có 1.058 thành viên.Với cách làm mới và hiệu quả thực hiện các khâu dịch vụ, đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định, tăng doanh thu và tạo việc làm cho nông dân địa phương.
Thanh Loan