Bà Trần Thị Thoa, ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3, từng tham gia lớp học trồng nấm do huyện tổ chức, cho hay: Nhờ chương trình học phù hợp, được thấy thực tế các công đoạn cấy meo, làm phôi, chăm sóc nấm, mọi thắc mắc được giáo viên giải đáp, hướng dẫn ngay nên rất dễ hiểu.
Tăng gấp đôi thu nhập
Do đó, sau khi tham gia khóa học, vợ chồng bà Thoa đã đầu tư cải tạo lại mái hiên dưới nhà để trồng 2.500 phôi nấm sò. Bình quân mỗi vụ trồng kéo dài khoảng 3,5 tháng cho sản lượng khoảng 650kg, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ.
Đào tạo nghề nông thôn ở Đồng Xuân thu hút nhiều nông dân tham gia. |
Trước đây, cuộc sống của phần lớn nông dân ở huyện Đồng Xuân dựa vào kinh tế rừng, nương rẫy sắn, mía. Tuy nhiên, do người dân không có nghề “tay trái” để kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn nên đời sống còn nhiều khó khăn.
Từ khi hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện chú trọng, nhiều người dân ở huyện miền núi này đã có nghề để góp phần cải thiện cuộc sống.
Thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề của huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở các xã tổ chức các lớp học ngay tại cơ sở, như các nghề: May công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, điện dân dụng, cơ khí hàn, kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng trọt, sản xuất hàng mây tre đan... giúp cho người dân có thêm nghề nghiệp ổn định cuộc sống.
Nhờ công tác đào tạo nghề miễn phí mà người dân tham gia theo học đông. Kết thúc khóa học, nhiều người đã có thêm việc làm, tăng thu nhập.
Chị Trần Thị Hà, ở xã Xuân Sơn Nam, tâm sự: “Tôi lập gia đình gần 10 năm, mỗi ngày chỉ biết đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Nhờ theo học nghề sản xuất hàng tre đan do huyện tổ chức, tôi nhận hàng về nhà đan, mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu đồng, có tiền trang trải thêm cho cuộc sống”.
Để giải quyết “đầu ra” khi kết thúc các khóa học, huyện Đồng Xuân phối hợp với các doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn tổ chức dạy nghề. Sau khi đào tạo xong, các học viên được nhận vào làm ngay tại doanh nghiệp.
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 40 triệu đồng, tăng gần 2 lần so với cách đây 5 năm. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giảm từ 82,97% năm 2015 xuống còn 41,86% năm 2020.
Tạo thêm việc làm từ HTX
Bà con các xã vùng đặc biệt khó khăn như Phú Mỡ, Xuân Lãnh, Đa Lộc đã được đào tạo những nghề nông thôn phù hợp với điều kiện sản xuất, chăn nuôi ở từng địa bàn. Qua đó, nhiều gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số từ chỗ là hộ nghèo đã vươn lên có kinh tế khá với mức thu nhập ổn định.
Ngoài ra, huyện Đồng Xuân còn phát triển các mô hình kinh tế hợp tác nhằm tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Hiện, toàn huyện có 12 HTX hoạt động với tổng doanh thu hơn 10,9 tỷ đồng. Các HTX hoạt động hiệu quả giúp địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp…
Các mô hình kinh tế hợp tác ở Đồng Xuân giúp nâng cao đời sống lao động địa phương. |
Điển hình như trên địa bàn xã Xuân Long có HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Long, với 657 thành viên, xác định cây sắn là sản phẩm chủ lực của xã với diện tích 80ha.
Theo Giám đốc Võ Văn Nhẫn, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực dựa trên hợp đồng liên kết với Nhà máy Tinh bột sắn Đồng Xuân đã giúp HTX phát triển ổn định, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Hoặc như HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước ở xã Xuân Phước, ngoài việc chuyên sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, quản lý chợ, những năm gần đây còn triển khai xây dựng và bao tiêu sản phẩm dầu phộng Xuân Phước.
HTX này đã hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phộng, đầu tư hệ thống ép dầu, đăng ký thương hiệu sản phẩm và đứng ra bao tiêu sản phẩm khi nông dân tham gia trồng đậu.
Để nâng chất hoạt động các HTX, huyện Đồng Xuân đã đưa các trí thức trẻ về tham gia vào đội ngũ lãnh đạo tại các HTX, đơn như ở các xã: Xuân Sơn Nam, Xuân Phước, Xuân Quang 2, Đa Lộc và Xuân Lãnh.
Thanh Loan