Đồng Văn là huyện vùng cao núi đá, diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm 34,37%. Do khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm nên tỷ lệ hộ nghèo cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, các làng nghề may mặc, đan lát, dệt thổ cẩm phát triển mạnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ.
Học nghề để thoát nghèo
Sẵn kiến thức nghề dệt lanh truyền thống, chị Vàng Thị Cầu, thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn đã tổ chức các lớp đào tạo nghề nông thôn cho nhiều chị em phụ nữ Mông trong huyện; đồng thời sáng lập ra HTX Lanh Trắng.
Đồng Văn đang tích cực tổ chức dạy nghề để ổn định cuộc sống cho những lao động làm nghề truyền thống (Ảnh TL). |
Đến nay, HTX hoạt động ổn định, tạo việc làm cho trên 95 hội viên phụ nữ là những chị em khó khăn. Thành viên HTX đã dạy nghề thêm được 2 lớp và thành lập được 3 tổ hợp tác liên kết.
Chị Vàng Thị Cầu cho biết, từ nhỏ, chị đã được mẹ truyền dạy cách làm ra những chiếc váy trắng, áo trắng của người Mông bằng sợi lanh. Chị thành thạo tới gần 40 công đoạn như trồng, chăm sóc cây lanh, tước vỏ, se lanh, kéo sợi, dệt vải, hấp, nhuộm, vẽ hoa văn, thêu thùa...
Những kiến thức này đã được chị truyền lại cho các thành viên trong HTX thông qua các lớp dạy nghề. Sau khi được học nghề dệt lanh, đến nay đã có gần 10 hộ gia đình ở xã Sà Phìn thoát nghèo, có cuộc sống ổn định với khoản thu nhập 4 - 10 triệu đồng/tháng.
Là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Sà Phìn, nhưng nay cuộc sống ổn định nhờ được dạy nghề dệt lanh trắng, chị Sùng Thị Sy cho biết, chị vốn là một trong những người được HTX đào tạo, sau đó trở thành thành viên của HTX. Đến nay, cả chồng chị cũng bắt đầu tham gia nên thu nhập của gia đình ngày càng ổn định.
Hay như chị Hào Thị Ly, thành viên HTX chia sẻ, thôn Sà Phìn A có hơn 50 hộ dân đều là dân tộc Mông. Hiện, tổ sản xuất của chị Ly có hơn 20 người, mỗi người làm một công đoạn, một số làm ở nhà.
“Nhờ các lớp đào tạo nghề nông thôn, tôi đã biết làm vỏ gối, túi, áo, quần, rèm cửa, khăn quàng… Tôi hài lòng với công việc, rảnh rỗi tranh thủ đi làm nên cũng làm được việc nhà nữa. Một tháng thu nhập khoảng 3 triệu”, chị Ly cho hay.
Từng bước nâng giá trị
Tương tự, Làng nghề đan lát của người dân tộc Cờ Lao ở xã Sính Lủng được công nhận năm 2013, cũng giúp giải quyết việc làm cho 35 hộ dân địa phương. Trong từng chiếc mẹt, nong, nia, quẩy tấu... làm ra chứa đựng công sức và tinh hoa văn hóa của cả cộng đồng người Cờ Lao.
Cần thêm các nguồn lực giúp các sản phẩm làng nghề ở Đồng Văn vươn xa trên thị trường (Ảnh TL). |
Ông Vần Phỏng Sài, thôn Má Chề, xã Sính Lủng chia sẻ: “Tôi thường chặt tre, nứa sau nhà ngồi đan lúc rảnh rỗi. Một tuần làm được 10 sản phẩm các loại như nong, nia, mẹt... gom vào đi bán tại chợ Đồng Văn, Lũng Phìn. Người ở đây vẫn thường dùng nó để đựng mèn mén, ngô, cất đồ, giá bán từ 40 đến 120 nghìn đồng/chiếc. Có thêm nghề này cho người già, phụ nữ làm cũng kiếm thêm được thu nhập”.
Nhờ có đường giao thông thuận tiện mà các sản phẩm đan lát ở Sính Lủng còn được bán sang Mèo Vạc, Yên Minh do các lái buôn vận chuyển đi. Cách giữ nghề truyền thống này là người già có tay nghề trong thôn sẽ truyền dạy cho các thế hệ sau. Để phát triển làng nghề, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ mở lớp dạy nghề cho những người có nhu cầu học.
Hay như Làng nghề thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Lô Lô ở xã Lũng Cú, được công nhận năm 2013 do huyện hỗ trợ xây dựng đã giúp cho trang phục, hoa văn truyền thống của người Lô Lô được phát triển và lưu truyền.
Các sản phẩm quần, áo, khăn, váy, túi xách trang trí hoa văn được thêu, dệt từ chỉ màu xanh, đỏ, trắng, đen, vàng... trưng bày và bán cho du khách đến tham quan Cột cờ Lũng Cú. Nghề phụ lúc nông nhàn này đã đem lại thu nhập khá tốt cho 40 hộ dân ở đây.
Dù có nhiều chuyển biến tích cực, song công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn ở Đồng Văn còn không ít khó khăn. Điển hình như về cơ sở vật chất thiếu thốn, các đơn vị dạy nghề, các làng nghề còn chưa có thương hiệu, khả năng tiếp cận thị trường còn yếu, nhiều hộ tham gia học nghề nhưng sau đó còn ngại chuyển đổi sản xuất…
Để khắc phục, huyện đã chủ trương rà soát, đánh giá và phát triển thêm các làng nghề địa phương. Trong đó, chú trọng đến các sản phẩm phục vụ sinh hoạt để làm sản phẩm du lịch, tốc độ khách du lịch đến Đồng Văn đang tăng cao trong khi thiếu sản phẩm du lịch.
Để phát triển bền vững các làng nghề, huyện tập trung vào 2 vấn đề là liên kết đào tạo nghề và hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ để giúp đỡ các gia đình có mong muốn tham gia làng nghề. Đồng thời, tăng cường quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Hưng Nguyên