Làng Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền là làng quê nổi tiếng với nghề truyền thống đan lát sản phẩm bằng mây, tre, chế tác đồ dân dụng và mỹ nghệ. Những năm gần đây, với sự tham gia của HTX, tổ hợp tác, đời sống của người làm nghề đã ngày một cải thiện.
Giữ vững nghề đan
Trong giai đoạn được xem là hoàng kim của làng nghề cách đây hơn nửa thế kỷ, các sản phẩm mây tre đan truyền thống của Bao La như thúng, mủng, nang, trẹt, rổ rá, dần, sàng, lồng bàn… tỏa đi khắp các tỉnh thành trên cả nước, mang lại thu nhập cao cho người lao động.
Làng nghề Bao La đang tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động (Ảnh TL). |
Tuy nhiên, khi đồ gia dụng bằng nhựa xuất hiện và ngày càng chiếm lĩnh thị trường với mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý… thì sản phẩm mây tre đan thủ công của các làng nghề truyền thống như Bao La bị cạnh tranh khốc liệt.
Trong bối cảnh đó, năm 2007, HTX Mây tre đan Bao La được thành lập nhằm tìm hướng đi mới cho làng nghề. Theo định hướng khôi phục ngành nghề truyền thống, chính quyền địa phương đã hỗ trợ HTX tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật đan lát sản phẩm mới, đa dạng mẫu mã để đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng.
Từ khi ra đời, HTX Bao La đã tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Trình độ được nâng cao giúp sản phẩm của làng nghề ngày càng hiện đại và có tính mỹ thuật cao. Không chỉ dừng lại ở các loại đồ gia dụng, sản phẩm của HTX còn có các loại đèn trang trí (nhiều mẫu mã), ghe đua, thuyền buồm, nơm cá…
Các sản phẩm của HTX và làng nghề được các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê và khách du lịch trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Người làm nghề có thu nhập ổn định. Danh tiếng của làng nghề bắt đầu được khôi phục.
Kể từ năm 2020 đến nay, dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, theo Giám đốc HTX Võ Văn Dinh, đây chỉ là sự cố bất khả kháng, hoạt động sản xuất của HTX sẽ ổn định trong thời gian tới khi dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi.
Trước mắt, để duy trì hoạt động sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người dân, HTX đã kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nước. Đơn vị duy trì 70 lao động tại chỗ tiếp tục làm việc, tạo ra nguồn sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Số lao động này vẫn duy trì công suất, số lượng sản phẩm theo quy định, được HTX trả mức lương như trước, theo tinh thần không để giảm nguồn thu nhập của lao động.
Đa dạng nghề mới
Bên cạnh điểm sáng làng nghề mây tre đan Bao La, những năm qua, huyện Quảng Điền cũng tích cực triển khai các chương trình đào tạo nghề cả về nông nghiệp và phi nông nghiệp cho người lao động nông thôn, trong đó có những nghề mới rất hiệu quả.
Nấu ăn đang là một trong những nghề mới cho hiệu quả cao ở Quảng Điền (Ảnh TL). |
Vốn làm nghề nông nhưng khi nghe xã thông báo mở lớp dạy nghề chế biến món ăn, chị Nguyễn Thị Diệp, xã Quảng Thái quyết định đăng ký theo học vào năm 2018, với dự định sau khi ra nghề sẽ mở quán bán đồ ăn.
Sau 3 tháng được học nghề miễn phí, chị Diệp không chỉ nấu ăn ngon, bài bản hơn mà còn biết cách trang trí món ăn đẹp, đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện chị đang là đầu bếp chính của một nhà hàng trên huyện, có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, vừa đảm bảo cuộc sống, vừa tích lũy hướng tới mục tiêu mở quán riêng.
Được biết, kể từ năm 2018 đến nay, xã Quảng Thái đã tổ chức thành công hàng chục lớp đào tạo nghề dành cho lao động nông thôn, với nghề chính là kỹ thuật chế biến món ăn, chăn nuôi thú y, lái xe hạng B2 và sửa chữa máy nổ. Đây là những nghề thiết thực với người dân địa phương để ứng dụng trong chăn nuôi, phục vụ khai thác đánh bắt thủy sản, mở quán ăn, nhà hàng tiệc cưới…
Theo đánh giá của Phòng LĐ-TB&XH huyện Quảng Điền, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn của huyện thời gian qua đã phần nào đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm và giảm nghèo.
Phần lớn các lớp dạy nghề đều đào tạo có địa chỉ nên tỷ lệ lao động học nghề gắn với việc làm và có việc làm mới tăng lên hàng năm, từng bước gắn với nhu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn huyện.
Sắp tới, huyện chủ động đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới, lựa chọn đào tạo những nghề đúng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, theo nhu cầu của thị trường để khi học xong, người lao động có việc làm.
Trong quá trình thực hiện, huyện sẽ vận động sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của chính quyền các cấp, các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các HTX, doanh nghiệp trong việc đảm bảo việc làm sau học nghề cho lao động.
Mỹ Chí