Gần 6 năm qua, HTX ca cao - điều Định Quán đã liên kết với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng nghề trồng ca cao cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Gia Canh, góp phần hình thành thế mạnh sản xuất ca cao ở địa phương hiện tại.
Đổi thay nhờ học nghề nông
Ông Nguyễn Quý Tuân, Giám đốc HTX, chia sẻ từng có thời điểm, gia đình ông tính đến chuyện chặt bỏ 2 ha cây ca cao của gia đình để chuyển sang trồng loại cây khác vì đầu ra của cây trồng này khá bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp.
Đời sống nông dân Định Quán khởi sắc nhờ được học nghề, nâng cao trình độ (Ảnh TL). |
Nhưng sau đó, mọi chuyện thay đổi khi công ty TNHH ca cao Trọng Ðức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán) đầu tư dự án cánh đồng lớn cho cây ca cao trên địa bàn huyện Định Quán với nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực cho nông dân.
Nắm bắt thời cơ, HTX ca cao - điều Định Quán được thành lập, liên kết kết với doanh nghiệp để tổ chức dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhất là xử lý dịch bệnh trên cây ca cao cho người dân, đồng thời hỗ trợ các hộ ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị.
Gia đình bà Nguyễn Thị Chinh, ở ấp 9, xã Gia Canh, mặc dù chỉ có 200 gốc ca cao với diện tích khoảng 3.000m2, trồng xen với các loại cây trồng khác, song nhờ được HTX và doanh nghiệp đồng hành, đào tạo nghề, nâng cao kỹ thuật, mỗi tuần gia đình bà thu được trên 2 tạ ca cao tươi.
Một năm thu hoạch trong 9 tháng, cộng dồn lại gia đình bà Chinh cũng có khoảng 5 tấn ca cao tươi, với giá thị trường hiện nay 6 – 10 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình bà thu về trên 30 triệu đồng từ diện tích ca cao khiêm tốn này.
Giám đốc HTX Nguyễn Quý Tân cho biết, nhờ đào tạo nghề, trình độ nhân lực được nâng cao, HTX đang liên tục nâng cao quy mô sản xuất. Khi mới thành lập, HTX chỉ có hơn 10 ha ca cao trồng xen điều nhưng hiện đã tăng lên gần 100 ha và đều đạt chứng nhận UTZ (chứng nhận đảm bảo sản xuất bền vững theo chuẩn quốc tế).
Tương tự, ở xã Phú Cường, huyện Định Quán hiện có 962ha đất sản xuất nông nghiệp so với 5,4 ngàn ha đất tự nhiên. Do quỹ đất sản xuất nông nghiệp ít nên việc sáng tạo và linh động ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết.
Khai mở nhiều nghề mới
Để nâng cao giá trị sản xuất, HTX nông nghiệp Phú Cường đã tích cực mở các khóa tập huấn, dạy nghề, nâng cao kỹ thuật cho người nông dân trên địa bàn xã Phú Cường trong phát triển mô hình trồng dưa leo xen mướp, đang cho hiệu quả hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh nghề nông, Định Quán sẽ tăng cường dạy nghề phi nông nghiệp (Ảnh TL). |
Ngoài ra, thấy giống lúa Tám Xoan (xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) thơm ngon, dẻo, giá trị kinh tế cao, từ nhiều năm trước ông Phạm Xuân Bắc, Giám đốc HTX Phú Cường đã đem vào trồng thử nghiệm và sau đó, tiến hành dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ thành viên HTX làm theo.
Với dấu ấn của Tổ hợp tác Khô cá sông nước Phú Cường, HTX nông nghiệp Phú Cường cùng các ngành nghề ổn định, giúp người dân nâng cao đời sống, đã đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới ở xã Phú Cường thời gian qua.
Ở xã Phú Cường, bên cạnh nghề đánh bắt và chế biến thủy sản ở hồ Trị An được nhiều người biết đến thì địa phương này còn nổi tiếng là có lực lượng lao động làm thợ xây khá lớn và có nguồn thu nhập ổn định. Theo ước tính, trên địa bàn xã có hơn 500 thợ xây và hàng chục chủ thầu xây dựng có tiếng, uy tín hàng chục năm nay khắp trong và ngoài huyện Định Quán.
Hay như ở xã Phú Ngọc, HTX tiểu thủ công nghiệp Định Quán tại ấp 2 cũng đang là điển hình trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Chị Nguyễn Thị Thắm, người sáng lập HTX Định Quán chia sẻ, những năm gần đây, nắm bắt nhu cầu đan mây tre ngày một nhiều, HTX bắt đầu chuyển dần từ đơn vị đan thuê thành đơn vị tạo hàng mẫu và dạy nghề. HTX liên hệ với những doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh để nhận hàng về cho người dân địa phương.
Kể từ khi thành lập đến nay, HTX đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề mây tre đan cho hơn 1.000 lao động nông nhàn, lao động người dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa như La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định, Phú Hòa, Gia Canh.
Rõ ràng, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Định Quán, với sự tham gia tích cực của các HTX, doanh nghiệp đang phát huy hiệu quả tốt. Trong thời gian tới, với mục tiêu nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo lên trên 70%, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, chú trọng liên kết các cơ sở đào tạo với các HTX, doanh nghiệp, tăng cường tuyên truyền để người lao động hiểu rõ lợi ích của việc tham gia học nghề…
Nhật Minh