Mới đây, ở ấp Tân Lợi, xã Lộc Phú, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lộc Ninh phối hợp với Hội Nông dân, UBND xã Lộc Phú đã hoàn thành lớp học nghề chăm sóc và phòng trị bệnh cho dê.
Nuôi dê theo hướng bền vững
Qua lớp học này, các lao động nông thôn và nông dân trong xã đã nắm bắt được kiến thức cơ bản về chăm sóc điều trị bệnh cho dê để áp dụng ngay tại hộ gia đình. Ngoài ra, các học viên còn có thể hỗ trợ các hộ dân khác trên địa bàn về công tác chăm sóc, phòng trị bệnh nuôi dê trong thời gian tới.
Các thành viên HTX Lộc Hiệp trao đổi về kỹ thuật nuôi dê. |
Các hộ chăn nuôi dê ở huyện Lộc Ninh lâu nay chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng đàn dê trên địa bàn huyện là 76.214 con, trong đó chỉ có 314 hộ có đàn dê trên 20 con. Đây được cho là con số khá khiêm tốn so với triển vọng của nghề chăn nuôi này nhằm nâng cao đời sống cho lao động địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn huyện mới chỉ có 1 HTX liên kết chăn nuôi dê. Việc chăn nuôi dê theo mô hình VietGAP theo chuỗi sản phẩm khép kín từ trồng, chế biến thức ăn cho dê đến tạo ra nguồn sản phẩm thịt dê sạch, an toàn vẫn đang là bài toán khó cho các cơ quan chức năng và người chăn nuôi.
Trong thời gian tới, chính quyền huyện Lộc Ninh sẽ hỗ trợ nông dân trong việc phát triển, chăn nuôi dê theo hướng bền vững, đặc biệt là trong đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi.
Đồng thời, huyện sẽ chú trọng phát triển các HTX chăn nuôi dê; kết nối với các công ty, doanh nghiệp thu mua dê để tạo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi. Trong đó, tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi dê theo hướng VietAP bền vững; nguồn giống dê, thức ăn và đầu ra cho sản phẩm của người nông dân chăn nuôi dê…
Cách đây 2 năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lộc Ninh đã ra mắt HTX kinh doanh chăn nuôi dê xã Lộc Hiệp. Đây là HTX đầu tiên của tỉnh Bình Phước do chị em phụ nữ thành lập và quản lý tại xã Lộc Hiệp.
HTX có 45 thành viên, là các hội viên phụ nữ chăn nuôi dê trên địa bàn xã, với tổng đàn dê 1.500 con. Ngành nghề kinh doanh của HTX là chăn nuôi dê giống, dê thịt, chế biến và kinh doanh thực phẩm từ thịt dê.
Hiệu quả từ học nghề chăn nuôi
Thời gian qua, HTX đã phối hợp Phòng Nông nghiệp huyện Lộc Ninh tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê cho các thành viên HTX. Thông qua đó, các thành viên HTX đã được cán bộ thú y truyền đạt những kiến thức bổ ích trong việc chăm sóc phòng ngừa và trị bệnh trên đàn dê.
Lộc Ninh chú trọng việc phát triển nghề chăn nuôi dê và xây dựng thương hiệu dê bền vững. |
HTX kinh doanh chăn nuôi dê xã Lộc Hiệp cũng đã đưa ra định hướng trong thời gian tới tiếp tục duy trì và nhân rộng đàn dê, tạo điều kiện cho thành viên được vay vốn để phát triển đàn dê. Đồng thời, chuẩn bị cơ sở vật chất để xây dựng lò mổ đạt tiêu chuẩn; tiếp tục cung cấp dê giống và dê thịt ra thị trường.
Gần đây, HTX Lộc Hiệp đã thử nghiệm và áp dụng hiệu quả về xử lý phân dê sạch, rút ngắn chuẩn kiến thức chăn nuôi, duy trì thu nhập ổn định. Hiện, HTX đang xây dựng đề án đóng khuyên tai, gắn thẻ cho dê để có hồ sơ theo dõi sức khỏe cho dê. Bên cạnh đó, HTX còn hỗ trợ thành viên về kỹ thuật, con giống, ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm đẩy mạnh thương hiệu dê Lộc Hiệp.
Ngoài nghề nuôi dê, kinh nghiệm từ các hộ chăn nuôi huyện Lộc Ninh nhiều năm qua cho thấy, nếu muốn thành công thì phải mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình hay, phù hợp và chịu khó học kỹ thuật chăn nuôi nhằm đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật triệt để.
Hộ ông Phạm Văn Vân ở ấp Măng Cải, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh là một điển hình. Diện tích đất canh tác ít, sau khi tham gia các lớp tập huấn về nghề chăn nuôi gia cầm, ông Vân quyết định dốc vốn vào nuôi gà, ngan... Nhờ biết áp dụng, tuân thủ tốt quy trình phòng dịch và chăm sóc bài bản, mỗi năm gia đình ông có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng.
Nhờ kết hợp kỹ thuật chăn nuôi với trồng trọt đã được học và áp dụng đúng, thời gian qua trên địa bàn huyện Lộc Ninh đã xuất hiện nhiều nông dân sản xuất giỏi. Từ đó, mang lại thu nhập tương đối ổn định, cải thiện cuộc sống cho các hộ nông dân và lao động địa phương.
Thanh Loan