Sau khi tham gia lớp dạy nghề về “Trồng cây lương thực thực phẩm" do HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hà (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) kết hợp với các cấp ngành tổ chức, bà Trần Thị Lý đã biết cách lựa chọn phân bón tốt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng và hiệu quả hơn.
Đòn bẩy tạo việc làm
Theo bà Lý, qua quá trình học nghề, bà được tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, từ đó áp dụng vào sản xuất và tuyên truyền cho những hộ khác trong thôn xóm...
“Trước đây, nhà tôi chuyên trồng lúa, quanh năm vất vả mà vẫn nghèo. Sau khi được HTX dạy nghề, tôi chủ động chuyển đổi một số diện tích sang trồng đỗ tương, lạc… theo hướng đa canh, an toàn. Kết quả là trên cùng một đơn vị diện tích, lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần”, bà Lý hồ hởi nói.
Giám đốc HTX Đông Hà Đặng Xuân Kết cho biết, đào tạo nghề nông nghiệp là chương trình rất cần thiết cho lao động nông thôn và thành viên HTX, vì vậy khi có chương trình dạy nghề nông nghiệp, HTX đã kết hợp với UBND xã Đông Hà tiếp nhận ngay.
Trong năm 2020, thành viên và người dân đã được tham gia 3 lớp (2 lớp trồng cây lương thực thực phẩm và 1 lớp chăn nuôi gia súc gia cầm). Hầu hết lao động nông nghiệp ở địa phương chưa qua đào tạo nghề, do vậy khi lớp đào tạo nghề được tổ chức giúp nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật.
Nhờ chú trọng gắn lý thuyết với thực hành ngoài đồng ruộng, nông dân và thành viên HTX nắm được rõ hơn các kiến thức về sản xuất lúa cũng như cây vụ đông. Các lớp chăn nuôi đã giúp nông dân biết cách lựa chọn con giống tốt, phòng trị bệnh gia súc, gia cầm hiệu quả, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng VietGAP vào gia trại, trang trại...
Lao động nông thôn tự tin khởi nghiệp, làm giàu nhờ được đào tạo nghề. |
Không chỉ ở huyện Đông Hưng, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 165.750 lao động, bình quân đạt 33.130 lao động/năm. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 34.500 lao động trở lên nhằm duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%.
Đào tạo nghề đúng và trúng
Tương tự, những năm qua, để đào tạo nghề đúng và trúng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng lao động của địa phương để xác định ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội cần.
Anh Trần Văn Bảo (xã Đoàn Kết) là một trong những người được tạo điều kiện tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Vân Đồn. Trước kia, anh Bảo vốn làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh. Năm 2019, sau khi tham gia lớp đào tạo lái xe cho lao động nông thôn, anh Bảo xin làm lái xe taxi, công việc và thu nhập ổn định hơn trước.
Cũng qua các khóa đào tạo nghề, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn huyện Vân Đồn đã ra đời mang lại hiệu quả tích cực trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, phải kể đến hiệu quả của mô hình "Gà bản Đầm Hà".
Sau khi được hỗ trợ được đào tạo nghề, anh Nguyễn Văn Tuyền (xã Quảng Tân) mạnh dạn vay vốn ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để đầu tư mở chuồng trại chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp. Đặc biệt, để nâng cao nội lực, anh vận động 6 hộ trong thôn cùng thành lập HTX Tuyền Hiền, chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà thương phẩm địa phương.
Đến nay, HTX Tuyền Hiền có trang trại nuôi gà rộng gần 2 ha, hằng năm cung cấp cho thị trường hơn 80.000 con gà giống, 30.000 con gà thương phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.
Có thể thấy, qua các khóa đào tạo nghề đã giúp người lao động có thêm kiến thức, kỹ năng để áp dụng vào sản xuất, giúp tăng thu nhập cho gia đình, HTX.
Trong thời gian tới, huyện Vân Đồn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn người lao động học nghề, tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Đồng thời, huyện thực hiện đa dạng các hình thức đào tạo nghề, đào tạo nghề tại chỗ và liên kết đào tạo, đào tạo theo nhu cầu của người lao động và yêu cầu của thị trường.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Ninh, hầu hết các lớp dạy nghề ở Vân Đồn được tổ chức đã bám sát với điều kiện kinh tế, sản xuất của địa phương, giúp học viên có kiến thức cơ bản, vận dụng hiệu quả vào thực tế, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.
Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2020, đã có 365 lao động nông thôn trên địa bàn huyện được tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp…
Những kết quả thực tế cho thấy hiệu quả từ chính sách đào tạo nghề đã hỗ trợ công tác giảm nghèo của huyện, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân. Theo đó, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực, tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề có việc làm ổn định, góp phần phát triển thế mạnh của địa phương.
Minh Trí