Được thành lập tháng 4/2019, đến nay HTX nông nghiệp Bắc Sơn, xã Mường Bú (Mường La, Sơn La) có 30 ha cây ăn quả, trong đó 7 ha xoài, 8 ha nhãn ghép, 6 ha vải thiều, còn lại là bưởi da xanh, táo đại, ổi và một số cây dược liệu.
HTX liên tục đào tạo nâng cao
HTX đã và đang xây dựng 3 vườn cây ăn quả theo tiêu chuẩn hữu cơ VietGAP, trong đó xây dựng 2 thành viên tiêu biểu với chỉ tiêu trên 10 ha vườn cây đạt chuẩn VietGAP, có tổng mức thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 250 triệu đồng/ha. Từ đầu vụ tới nay, HTX đã thu hoạch 50 tấn quả, dự tính sản lượng năm nay sẽ đạt khoảng 180 tấn quả các loại.
Tham gia các lớp tập huấn về phát triển thị trường, HTX tự tin đưa sản phẩm đi xa. |
Những thành công bước đầu cho thấy hiệu quả rõ nét từ việc HTX được tham gia các lớp đào tạo nghề. Ông Trần Văn Thuận, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Bắc Sơn cho biết, năm 2019, ông được tham gia lớp tập huấn hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, thiết kế nhãn hiệu và phát triển sản phẩm do Sở Công Thương tỉnh Sơn La tổ chức.
Đồng thời, từ khi thành lập đến nay, HTX cho biết, luôn được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh và Phòng NN&PTNT huyện Mường La hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm theo quy trình VietGAP. Đồng thời, hỗ trợ HTX tham gia các gian hàng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm do huyện, tỉnh tổ chức. Điều này giúp HTX có thêm kinh nghiệm trong vấn đề phát triển thị trường.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan (xã Hát Lót - huyện Mai Sơn) cũng cho biết: "Thời gian qua, ông và các thành viên HTX được tham gia khóa trồng cây ăn quả, trong đó có trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP do huyện Mai Sơn tổ chức để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Chỉ sau 2 năm, cây bưởi đơm hoa kết trái, cho chất lượng tốt và được thị trường đón nhận".
Hiện nay, HTX Ngọc Lan có gần 20 ha bưởi da xanh được trồng theo quy trình VietGAP, tập trung chủ yếu ở bản Noong Xôm và bản Nà Càng. Với mục tiêu phát triển lâu dài loại cây ăn quả này trên địa bàn, các thành viên HTX tập trung xây dựng mô hình trồng bưởi theo các tiêu chuẩn an toàn, thân thiện với môi trường, sử dụng phân bón hữu cơ thay cho các loại phân bón hóa học.Việc này giúp chất lượng đất được cải tạo tốt hơn, đồng thời bảo đảm dinh dưỡng cho cây trồng.
Sơn La tiếp tục nâng chất đào tạo nghề
Tuy vậy, học chưa bao giờ là đủ. Để tạo đà cho phát triển, HTX Nông nghiệp Bắc Sơn mong muốn các Sở, ngành chức năng của tỉnh, huyện Mường La tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên HTX được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, được tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua những hội chợ, triển lãm trưng bày sản phẩm do tỉnh, huyện tổ chức.
Một lớp dạy nghề chăn nuôi bò. |
Đặc biệt, HTX mong muốn được hỗ trợ, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý cho lãnh đạo HTX, tạo môi trường thuận lợi cho các thành viên HTX được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, được tham quan học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cho năng suất, hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đây không chỉ là mong muốn của riêng HTX nông nghiệp Bắc Sơn, nhiều HTX ở Sơn La cũng có mong muốn được hỗ trợ để nâng cao trình độ tay nghề cho các thành viên, lãnh đạo HTX.
Thấu hiểu mong muốn của HTX, đầu năm 2020, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 61 tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Sơn La đến năm 2020”, đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu thị trường.
Với mục tiêu đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đào tạo cho lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bị thu hồi đất canh tác, bộ đội xuất ngũ, phụ nữ nông thôn đặc biệt là người khuyết tật.
"Đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, HTX và theo yêu cầu của thị trường lao động. Gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", tỉnh Sơn La cho biết.
Đặc biệt, lao động nông thôn học nghề được hỗ trợ chi phí học nghề theo Quyết định số 26/2017 của UBND tỉnh. Lao động nông thôn thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ theo Quyết định số 46/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, cam kết lao động sau khi học nghề phải thực hiện được kỹ năng nghề đã được trang bị, đảm bảo tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học đạt 80% trở lên.
Thy Lê