Tăng cường công tác dạy nghề
Để tiếp tục hỗ trợ và tạo việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch "Điều tra, khảo sát thực trạng thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp từ THPT đến sau Đại học chưa có việc làm để định hướng đào tạo nghề, tìm việc làm và xuất khẩu lao động".
Thừa Thiên Huế sẽ khảo sát thanh niên dân tộc thiểu số tốt nghiệp từ THPT trở lên chưa có việc làm để định hướng dạy nghề, XKLĐ. |
Kế hoạch nhằm nắm rõ tình hình và thực trạng thanh niên vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp từ Trung học phổ thông đến sau Đại học chưa có việc làm. Qua đó làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề để người dân có thêm thông tin, tiếp cận và hiểu rõ chính sách học nghề tại chỗ; điều chỉnh một số chính sách dạy nghề cho phù hợp với đặc thù về kinh tế - xã hội, tập quán sản xuất và trình độ của người dân tộc thiểu số; góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức đào tạo và cách thức tổ chức lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tế, phong tục, tập quán và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời xây dựng mô hình điểm sáng về khởi nghiệp, xuất khẩu lao động để nhân rộng cho thanh niên dân tộc thiểu số khác học tập, noi theo tiến đến làm theo để tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Đối tượng điều tra, khảo sát là Thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có học sinh đã tốt nghiệp THPT, sinh viên ra trường chưa có việc làm trong độ tuổi từ 18 đến 35 ở hai huyện Nam Đông và A Lưới và một số địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại huyện Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà.
Được biết Thừa Thiên Huế có 2 huyện miền núi và 4 huyện, thị xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, 34 xã có đồng bào dân tộc thiểu số, 12 xã vùng biên giới. Dân số toàn vùng là 121.248 người, trong đó người dân tộc thiểu số là 54.534 người.
Mặc dù cuộc sống và các điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhưng thời gian qua, với sự nỗ lực của nhân dân cùng với các chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, chính sách dạy nghề, tạo việc làm nên đời sống và diện mạo các bản làng vùng miền núi nơi đây có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhiều giải pháp đồng bộ để giảm nghèo
Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, những năm qua tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, chương trình phát triển kinh tế các vùng dân tộc thiểu số, trong đó tập trung các nguồn lực đầu tư nhằm tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ cho công cuộc giảm nghèo bền vững. Một trong các lĩnh vực mà tỉnh đặc biệt quan tâm là phát triển kinh tế bảo đảm an sinh cho người dân khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mô hình nuôi bò của thanh niên dân tộc tại huyện miền núi A Lưới. |
Để tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo, Ban Dân tộc đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức khảo sát, quy hoạch để bố trí đủ quỹ đất sản xuất cho người dân, từ đó tạo điều kiện cho bà con tổ chức sản xuất tăng giá trị thu nhập… Hằng năm, bằng nguồn vốn của tỉnh và Trung ương trong việc hỗ trợ sản xuất tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan hỗ trợ cho người nghèo hàng ngàn con giống, cây giống có giá trị… Với sự phối hợp của ngành nông nghiệp, nhiều địa phương đã xây dựng được những mô hình sản xuất hiệu quả như, mô hình trồng ớt, bưởi, dứa… cho thu nhập cao, từ đó nhân rộng để người dân làm theo.
Tỉnh đã dành hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, kiên cố hóa vững chắc. Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì và phối hợp với các ban, ngành, địa phương liên quan tiến hành xây dựng 151 công trình giao thông nông thôn, 23 công trình thủy lợi, 24 công trình nhà văn hóa cộng đồng, 10 công trình nước sinh hoạt… Hiện 100% xã, thị trấn đều có đường ô tô đến trung tâm; hệ thống trạm y tế và trường học cũng được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và học tập của nhân dân.
Giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương đang tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Theo đó, các xã đề xuất chủ yếu hỗ trợ giống cây trồng như lúa, ngô lai, cây keo phục vụ trồng rừng, phân bón và hỗ trợ giống bò, lợn, gia cầm... Dưới sự hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, sự phối hợp của Ban Dân tộc tỉnh, các mô hình nhóm hộ sản xuất, nuôi, trồng tập trung được hình thành với kết quả khả thi giúp đồng bào các địa phương có thu nhập ổn định.
Ông Hồ Xuân Trăng, cho biết thêm, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn dân tộc thiểu số toàn tỉnh từ 2014 - 2019 đã đạt hơn 51 tỷ đồng, với hơn 5.930 hộ được hưởng lợi. Từ nguồn vốn, nhiều tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được chuyển giao cho đồng bào dân tộc thiểu số, làm thay đổi tập quán từ sản xuất quảng canh sang thâm canh, cho năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm ngày càng tăng. Đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản phẩm mang tính hàng hóa như cao su, sắn công nghiệp; cam, chuối, bò, heo, dê thương phẩm…
Ngoài chuyển giao kỹ thuật như lâu nay, việc chú trọng đào tạo nghề gắn với hoạt động của các doanh nghiệp, chủ trang trại sản xuất nông - lâm nghiệp trong và ngoài địa bàn, là yếu tố tăng khả năng giải quyết việc làm, đảm bảo nguồn nhân lực lao động qua đào tạo có chất lượng, góp phần phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh.
“Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, cuộc sống đồng bào các dân tộc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chỉ còn 22,52%, giảm bình quân hằng năm 4,5%. Địa phương đang phấn đấu đến năm 2024, vùng dân tộc thiểu số có thu nhập bình quân đầu người đạt 40 - 42 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 15%”, ông Hồ Xuân trăng cho biết thêm.
Phương Nam