Nhờ đa dạng hóa các dịch vụ, ngành nghề mà nhiều HTX trên địa bàn thị xã Hương Thủy đã bứt phá để vượt qua khó khăn, nâng cao thu nhập cho người lao động, đem lại lợi ích kinh tế cao cho các thành viên, đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường.
Lan tỏa từ những mô hình điểm
Năm 2015, HTX nông nghiệp Phù Bài chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới. Ngoài kinh doanh các dịch vụ truyền thống như liên kết với Công ty Quế Lâm xây dựng mô hình chăn nuôi heo theo hướng hữu cơ quy mô hàng nghìn con, HTX còn đẩy mạnh liên kết trong việc cung ứng giống, phân bón, xây dựng các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, lúa giống chất lượng với diện tích hơn 50ha, qua đó góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập cho thành viên.
Ông Lê Tranh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Phù Bài cho biết, cùng với các dịch vụ nông nghiệp, từ năm 2017 đến nay, HTX còn chú trọng đầu tư phát triển kinh tế rừng keo lai với các dịch vụ kinh doanh giống lâm nghiệp, chăm sóc, hỗ trợ vốn và tiêu thụ sản phẩm.
“Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng cho thị trường hơn 35 vạn cây giống, giải quyết nhu cầu cây giống tại chỗ, tạo thêm nguồn thu cho HTX”, ông Tranh nói.
Trồng rừng keo lai đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho các HTX ở thị xã Hương Thuỷ (Ảnh: TL) |
HTX nông nghiệp Thủy Tân cũng là đơn vị chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012 vào năm 2013. Ngoài tổ chức mô hình cánh đồng mẫu lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, năm 2016, HTX còn mở rộng quy mô nuôi cá nước ngọt… Ông Nguyễn Quang Hồng, Giám đốc HTX cho biết, việc đa dạng hóa ngành nghề trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã giúp HTX vượt qua khó khăn, nhất là thời diểm diễn ra dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
“Với số lượng hơn 10 lồng bè nuôi cá trên sông Bồ, sản lượng bình quân hơn 50 tấn/năm đã tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX trước yêu cầu mới”, ông Hồng nhấn mạnh.
Cũng trên địa bàn thị xã Hương Thủy, nhiều năm qua, HTX nông nghiệp Thủy Dương tranh thủ lợi thế tiềm năng, truyền thống thâm canh mướp đắng đã tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm trà mướp đắng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hàng chục ha mướp có đầu ra ổn định, giá trị sản phẩm được nâng cao, giúp gần 100 hộ cải thiện thu nhập.
Định vị vai trò của HTX
Không chỉ trồng, chế biến các sản phẩm từ mướp đắng, từ năm 2018, HTX Thuỷ Dương còn kinh doanh dịch vụ nhà hàng sinh thái và được xem là nét mới trong mô hình kinh tế HTX, bước đầu thu hút du khách tham quan, ăn uống. Đáng chú ý là trước xu thế trồng rừng đạt hiệu quả kinh tế cao, HTX tiếp tục tranh thủ nguồn lực đầu tư dịch vụ trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ thành viên. Đồng thời, mở rộng quy mô, đa dạng hóa các dịch vụ như thủy lợi, kinh doanh thức ăn gia súc gia cầm, giống, thu mua sản phẩm nông sản, xây dựng cơ bản, quản lý chợ, hỗ trợ vốn… Đến nay, HTX đạt doanh thu mỗi năm trên 8 tỷ đồng, lãi khoảng 500 triệu đồng.
Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thủy Dương Phùng Độ cho rằng: “Yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe, đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm không có con đường nào khác ngoài mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa các dịch vụ, ngành nghề sản xuất, kinh doanh”.
Nuôi cá lồng trên sông Bồ giúp HTX nông nghiệp Thủy Tân tăng thêm thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm (Ảnh:TL) |
Đánh giá của UBND thị xã Hương Thủy cho thấy, từ khi thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, kinh tế HTX trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, đa dạng ngành nghề, quy mô, lợi nhuận bình quân hằng năm tăng lên. Các HTX chú trọng xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đầu tư mua sắm máy móc hiện đại như máy gặt đập liên hợp, máy cày đất… góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn địa phương, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ thành viên.
Các HTX cơ bản đã bám sát phương án chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, giảm mức thu phí một số dịch vụ cơ bản như làm đất, tưới tiêu, thu hoạch; giảm dần mức đóng góp “trên đầu sào ruộng” để hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, đê bao, giao thông nội đồng đáp ứng yêu cầu sản xuất, cơ giới hóa. Một số HTX khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, mặt nước, nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, bước đầu đảm bảo các chỉ tiêu giao khoán; đồng thời được trích thưởng từ vượt khoán, góp phần tăng thu nhập cho HTX và đội ngũ cán bộ HTX.
Đến nay, toàn thị xã Hương Thủy có 18 HTX, tổng trị giá tài sản của các HTX đạt gần 97 tỷ đồng; nguồn vốn hoạt động bình quân hằng năm của các HTX khoảng 55 tỷ đồng; thu nhập bình quân mỗi năm của các thành viên, lao động khoảng 42 triệu đồng. Điều này cho thấy việc đa dạng hoá ngành nghề trong sản xuất, kinh doanh của các HTX đã giúp cho kinh tế hợp tác, HTX ngày càng phát triển bền vững và giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Phương Nam