Đàu tàu cho các hội viên vùng cao
Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới được phụ nữ địa phương xem như “bà nguyệt” bén duyên với HTX, se duyên kết nối, đưa sản phẩm A Lưới “vượt rừng” về phố. Không chỉ chuối, mà nhiều sản phẩm là gạo Ra Dư, nếp than, gà kiến... từ lâu chỉ quanh quẩn nơi bản làng thì nay có mặt tại Cửa hàng đặc sản, nông sản A Lưới tại TP. Huế và trung tâm huyện A Lưới, có bao bì và nhãn mác rõ ràng.
Bà Lê Thị Quỳnh Tường - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ A Lưới giới thiệu quy trình sản xuất sản phẩm sạch của HTX (Ảnh: TL) |
Đây là cái kết có hậu cho câu chuyện về bước đầu khởi nghiệp của phụ nữ dân tộc vùng núi rừng A Lưới. Chị Tường cho biết, cách đây 4 năm, được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn, thân thiện với môi trường nên đã tiến hành xây dựng tổ liên kết. Đầu tiên, chị đầu tư cho 4 thành viên chuyên sản xuất các loại nông sản như: rau, củ, quả các loại, trong đó ưu tiên sản xuất, chế biến các loại nông sản địa phương như: chuối, kiệu, các loại gia vị Asai xiêng, Amoot, Asoar..., sau đó nhân rộng dần. Hội cũng thành lập “Gian hàng rau củ, nông sản sạch của Hội LHPN huyện” tại trung tâm chợ A Lưới để tiêu thụ sản phẩm.
“Tiếng lành đồn xa”, chuyện những người phụ nữ khởi nghiệp từ sản xuất nông sản sạch được Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (Trường đại học Nông lâm Huế) biết đến. Họ giới thiệu, hướng dẫn tổ liên kết làm hồ sơ xin tài trợ từ dự án Trường Sơn xanh. May mắn là mục đích mà các chị đang thực hiện cũng là cái đích mà dự án hướng đến.
Ông Trần Văn Tiềm, điều phối viên dự án Trường Sơn xanh cho biết, “Khi tiếp nhận và đánh giá hồ sơ của tổ liên kết của phụ nữ A Lưới, thấy đáp ứng được yêu cầu của dự án, vì vậy, chúng tôi đồng ý hỗ trợ".
Có được sự đầu tư của dự án, thành viên của các tổ hợp tác được Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung triển khai hàng loạt các hoạt động hỗ trợ kỹ năng quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh, sản xuất nông sản sạch theo đúng tiêu chuẩn. Các chị cũng được đầu tư một số cơ sở vật chất như tủ bảo quản thực phẩm, máy ép chân không... Hội tụ đủ điều kiện, Hội Liên hiệp phụ nữ A Lưới đã tự tin phát triển các tổ hợp tác thành HTX sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn vào tháng 5/2018.
HTX tiến hành xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đăng ký cấp giấy chứng nhận cửa hàng đạt chuẩn an toàn thực phẩm và mạnh dạn tổ chức hội nghị khách hàng nhằm giới thiệu sản phẩm. Từ đó, HTX liên kết mở rộng thị trường ở các trường mầm non, chợ; thành lập được 2 cửa hàng tiêu thụ nông sản sạch tại thị trấn A Lưới và TP. Huế. 2 năm qua, chuối A Lưới với logo, nhãn hiệu của HTX sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn đã chính thức có mặt tại siêu thị Big C Huế.
Bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị Big C Huế cho hay: “Từ bước khởi đầu thành công năm 2018, chúng tôi đã hướng dẫn người dân đầu tư hơn về số lượng, chất lượng, mẫu mã. Đến nay, sản phẩm chuối của A Lưới có chỗ đứng vững chắc không chỉ tại siêu thị Big C Huế mà còn cả hệ thống siêu thị Big C các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam...”.
Nông sản vươn xa, đói nghèo bỏ lại phía sau
HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn của Hội LHPN huyện A Lưới nằm sâu trên địa bàn xã Hương Phong với diện tích hơn 2ha. Để đảm bảo an toàn, các thành viên HTX đã che chắn cẩn thận bằng hàng rào B40, cổng khóa kiên cố. Toàn bộ diện tích rau đều có hệ thống vòi phun nước tự động, phần lớn được đầu tư nhà kính, đảm bảo duy trì sản xuất trong mùa mưa bão.
Sản phẩm chuối A Lưới của HTX sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn dần khẳng định vị thế tại hệ thống siêu thị BigC (Ảnh: TL) |
Chị Hồ Thị Ngạch, thành viên HTX cho biết cho biết, trước đây, toàn bộ diện tích này tôi trồng sắn nhưng năm nào cũng rơi vào điệp khúc được mùa mất giá và ngược lại. Khi được HTX sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn vận động liên kết thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, tôi đồng ý tham gia.
“Chúng tôi được đầu tư, hỗ trợ xây dựng trang trại sản xuất rau an toàn, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác và có nơi tiêu thụ ổn định nên cuộc sống đã đổi thay. Mỗi thành viên thu lãi trung bình từ 300 đến 500 nghìn đồng/ngày từ bán rau củ, đời sống ngày một khấm khá hơn, cái đói, cái nghèo của người đồng bào dân tộc chúng tôi đã bị bỏ lại phía sau”, chị Hồ Thị Ngạch phấn khởi nói.
Từ mô hình sẵn có lại được HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn tiếp sức, chị Đặng Thị Hồng ở thôn Cần Nông, xã Hồng Quảng đã mở rộng mô hình sản xuất nấm hữu cơ trên diện tích 700m2. Chị đầu tư mua máy sàng mùn cưa, máy thanh trùng, máy lọc không khí, lò truyền nhiệt... để cấy các loại nấm rơm, nấm sò. Hiện trung bình mỗi tháng, chị Hồng xuất ra thị trường 6 tạ nấm, mang về thu nhập cho gia đình 15 triệu đồng/tháng và tạo việc làm cho 5 lao động khác.
Ngoài 2 mô hình trên, HTX còn kết nối, tạo đầu ra ổn định các mặt hàng nông sản sạch cho 3 tổ liên kết trồng chuối tại xã Nhâm và 1 tổ liên kết nuôi gà ở thị trấn A Lưới. Những tổ liên kết, những mô hình sản xuất theo hướng hiện đại đang ngày càng xuất hiện nhiều trên địa bàn A Lưới, tạo nên sự đổi thay trong từng bản làng.
Chị Nguyễn Thị Tươi, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn huyện A Lưới tự tin: "Khi mới đi vào vận hành, HTX gặp nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm của từng thành viên và được sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, đơn vị, đến nay HTX cũng dần đủ sức cạnh tranh để đứng vững trên thị trường, các sản phẩm của bản làng đã và đang được vươn xa".
Sông Ba