Theo thống kê của UBND huyện Thiệu Hóa, trên địa bàn hiện có hơn 2.500 hộ gia đình và cơ sở sản xuất nghề truyền thống, tạo việc làm cho trên 6.100 lao động, tổng giá trị sản xuất đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Tạo hàng nghìn việc làm
Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hàng triệu lao động bị ảnh hưởng, hàng nghìn lao động bị mất việc thì tại làng nghề sản xuất bánh đa Đắc Châu, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, người dân vẫn sống tốt nhờ nghề.
![]() |
Làng nghề bánh đa Đắc Châu đang hoạt động ổn định nhờ công tác dạy nghề, truyền nghề hiệu quả (Ảnh TL). |
Có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm bánh đa, chị Lê Thị Huệ, thôn Đắc Châu 1, chia sẻ: “Tôi làm nghề từ lúc 14, 15 tuổi. Cũng chẳng biết nghề có từ bao giờ nhưng khi sinh ra tôi đã thấy ông bà, bố mẹ làm bánh, rồi học theo. Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi thường tráng được khoảng 1.000 chiếc bánh”.
Theo chị Huệ, ở làng nghề Đắc Châu, hay còn gọi là làng Chòm, phụ nữ hay đàn ông đều thành thạo việc làm bánh. Nhờ làm tốt công tác dạy nghề và truyền nghề nên nhiều lao động trẻ cũng có trình độ cao. Đặc biệt, nhiều hộ đã liên kết để thành lập các tổ hợp tác, nhóm hộ nhằm nâng cao năng lực sản xuất.
Đơn cử, Tổ hợp tác sản xuất bánh đa thôn Đắc Châu 1 hiện có 13 thành viên. Kể từ năm 2016 đến nay, Tổ hợp tác đã tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho hơn 50 lao động. Trong quá trình hoạt động, các thành viên và hộ liên kết được hỗ trợ tối đa về máy móc, phương tiện kỹ thuật.
Đặc biệt, việc liên kết thành một đơn vị chính danh giúp các thành viên Tổ hợp tác bánh đa thôn Đắc Châu 1 nâng cao năng lực sản xuất, nhất là tăng uy tín với các đối tác tiêu thụ, mở rộng thị trường, ổn định giá bán sản phẩm.
Không chỉ có làng nghề bánh đa Đắc Châu, nhiều nghề truyền thống ở Thiệu Hóa đã có sự phát triển nhanh, mở rộng quy mô ở hầu hết ở các xã, nổ bật như nghề mộc, nề, trồng dâu nuôi tằm, đan lát, làm hương...
Điển hình, nghề trồng dâu nuôi tằm hiện còn ở 10 xã, với diện tích 126 ha, tạo việc làm cho khoảng 2.260 lao động. Huyện và các xã đã quan tâm tạo thương hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. UBND huyện đã đăng ký thương hiệu Tơ Hồng Đô cho sản phẩm tơ truyền thống của xã Thiệu Đô và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.
Thêm nguồn lực hỗ trợ
Từ năm 2015, huyện Thiệu Hóa đã có 3 làng nghề truyền thống được UBDN tỉnh công nhận, đó là làng nghề đúc đồng Thiệu Trung (xã Thiệu Trung); ươm tơ, dệt Hồng Đô (xã Thiệu Đô); làng bánh đa Đắc Châu (xã Tân Châu).
![]() |
Nghề đúc đồng ở Thiệu Hóa cũng đang tạo được nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động (Ảnh TL). |
Bằng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và đóng góp của các cơ sở đúc đồng, huyện Thiệu Hóa đã xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng cho cụm làng nghề đúc đồng tại thôn Trà Đông, xã Thiệu Trung, hút được 25 cơ sở đã đầu tư xây dựng, bước đầu đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương, giá trị sản xuất ước đạt 35 - 40 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh các nghề truyền thống, việc du nhập, nhân cấy nghề mới cũng được huyện Thiệu Hóa quan tâm. Trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện đã mở được hơn 100 lớp đào tạo nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với hàng chục nghìn lượt lao động tham gia.
Các ngành nghề đào tạo chính là may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, nghề mây xong xiên, trồng nấm, trồng đinh lăng… Một số nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao như nghề sửa chữa máy nông nghiệp, mây song xiên ở các xã Thiệu Long, Thiệu Hợp, Thiệu Minh, Thiệu Chính, Thiệu Giang; nghề làm chổi lông, chổi cước ở Thiệu Hợp, nghề làm mi mắt giả tại Thiệu Nguyên…
Dù có những chuyển biến tích cực, công tác phát triển nghề truyền thống, du nhập và nhân cấy nghề mới ở Thiệu Hóa vẫn còn một số hạn chế như tốc độ khôi phục nghề truyền thống chậm, hiệu quả du nhập, nhân cấy nghề mới thấp, việc liên doanh, liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp, cơ sở chưa chặt chẽ, đồng bộ…
Để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các làng nghề, huyện Thiệu Hóa đã ban hành Đề án Phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, cụm làng nghề, thu hút đầu tư và phát triển HTX, doanh nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các làng nghề phát triệt, trong đó đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là chiến lược quan trọng. Huyện cũng sẽ phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác, thu hút đầu tư của doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị trong làng nghề.
Nhật Minh