Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 50 HTX, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật và nhận gần 1.000 lao động là người khuyết tật vào làm việc. Trong đó có gần 20 HTX, doanh nghiệp, cơ sở có chủ là người khuyết tật.
Vững vàng nhờ có nghề
Để dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật đạt hiệu quả, bên cạnh việc phối, kết hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, tỉnh Thanh Hóa đã nghiên cứu, xây dựng thành công các mô hình đào tạo nghề bám sát thực tiễn, trong đó phải kể đến mô hình hỗ trợ sinh kế tổng hợp và mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm.
Thanh Hóa đang triển khai tốt nhiều chương trình dạy nghề cho người khuyết tật (Ảnh minh họa: TL). |
Đối với người khuyết tật, việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm có ý nghĩa thực tiễn rất cao. Một trong những đơn vị điển hình trong lĩnh vực này là mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm bền vững cho nhiều người khuyết tật tại xã Tân Thọ, huyện Nông Cống và xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa.
Hiện nay, các mô hình này vẫn duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn định, lao động khuyết tật có thu nhập 2,2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Nổi bật, HTX dạy nghề và phục hồi chức năng cho người khuyết tật 18/4, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa đang dạy nghề gắn với việc làm cho 100 lao động.
Anh Cao Văn Tuân, huyện Quảng Xương, khi mới hơn một tuổi đã bị tai nạn, cả hai chân đều bị khuyết tật. Với ý chí “những gì người bình thường làm được thì mình cũng làm được”, năm 2005, Cao Văn Tuân thi đậu Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Khoa học Huế (là một trong bốn người đạt điểm cao nhất trong kỳ thi).
Ra trường, anh Tuân theo đuổi nghề vẽ tranh và tạo hình, mở cơ sở làm tranh gạo được nhiều người biết đến, tranh của anh đã có mặt ở Đại nội Huế và nhiều cửa hàng tranh trong nước. Một số khách quốc tế cũng đã đến thăm cơ sở sản xuất và mua tranh của anh.
Đặc biệt, anh Tuân hiện đang là Giám đốc HTX tranh và đồ mỹ nghệ Tân Phát chuyên sản xuất và dạy nghề tranh gạo. Trên cương vị của mình, anh Tuân đã có nhiều hoạt động mang ý nghĩa truyền lửa, truyền cảm hứng cho người khuyết tật.
Anh đã mở lớp dạy nghề, tham gia dạy nghề tranh gạo cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Quảng Xương, huyện Thọ Xuân. Vợ chồng chị Lại Thị Bảo (người khuyết tật huyện Thọ Xuân) nhờ sự giúp đỡ của anh Tuân cũng đã thành lập được Công ty Mỹ thuật Lam Sơn, tạo công ăn việc làm cho 30 người khuyết tật khác.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, trong 5 năm qua, tỉnh đã đã thực hiện hỗ trợ dạy nghề cho trên 2.000 lao động nông thôn. Nghề được đào tạo chủ yếu là thủ công mỹ nghệ, khoảng 70% người khuyết tật có việc làm sau khi được đào tạo nghề, thu nhập bình quân khoảng từ 2,5-4,5 triệu đồng/người/tháng.
Được học nghề giúp những lao động yếu thế không bị bỏ lại phía sau (Ảnh TL). |
Cùng với Sở LĐ-TB&XH, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa cũng đang là đơn vị đầu tàu trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho những người yếu thế. Cụ thể, trong 10 năm qua, Hội đã trực tiếp huy động nguồn lực, chủ trì phối hợp với các tổ chức và các HTX, doanh nghiệp, mở được 65 lớp học nghề cho 1.853 học viên là người khuyết tật.
Hội cũng phối hợp với Trường Trung cấp Nghề thanh thiếu niên khuyết tật đặc biệt khó khăn tỉnh dạy nghề cho 4.895 học viên. Việc quan tâm dạy nghề đã tạo được những chuyển biến đột phá trong công tác tạo việc làm cho người khuyết tật.
80% người khuyết tật sau khi học nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định; 1.072 hộ có người khuyết tật thoát nghèo, 286 người khuyết tật trở thành chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Để tạo điều kiện cho người khuyết tật không phải đóng học phí và các khoản tiền ăn, tiền lưu trú trong suốt thời gian đào tạo, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh trực tiếp vận động các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các tổ chức nhân đạo nước ngoài (Đức, Mỹ, Hàn Quốc,...) quyên góp được trên 5 tỷ đồng phục vụ công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật.
Có thể khẳng định, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng, cùng với ý chí vươn lên của người khuyết tật đến nay đã mang tới hiệu quả nhân văn sâu sắc.
Tuy nhiên, để khẩu hiệu “không ai bị bỏ lại phía sau” thành hiện thực, người khuyết tật cần tiếp tục nhận được những chính sách cụ thể, thiết thực để có thể tiếp cận vốn vay hỗ trợ tạo việc làm. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những người khuyết tật đã và đang khởi nghiệp, lập nghiệp.
Đồng thời, người khuyết tật cũng mong muốn nhận được sự chia sẻ giúp đỡ của cộng đồng, HTX, doanh nghiệp để họ thực hiện hóa ước mơ đời thường là có việc làm, có thu nhập, sống bình đẳng và có ích.
Thu Hà