Hiện nay, trên địa bàn huyện Thiệu Hóa có hơn 2.000 cơ sở phát triển các ngành nghề nông thôn, như: đúc đồng, ươm tơ, dệt nhiễu, làm bánh đa, mộc dân dụng, trồng rau, chăn nuôi... tạo việc làm cho hơn 7.500 lao động, thu nhập bình quân ước hơn 30 triệu đồng/người/năm.
Phát triển sản xuất gắn với đào tạo nghề
Những năm qua, huyện Thiệu Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nông thôn, trong đó chú trọng phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp thông qua việc khôi phục nghề truyền thống, du nhập, tìm kiếm thêm nghề mới. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động.
![]() |
Đẩy mạnh phát triển nghề làm bánh đa. |
Đồng thời, người dân đã mạnh dạn đầu tư vốn cho việc hiện đại hóa công nghệ, áp dụng các loại máy móc hiện đại để cho ra đời những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường giúp sản phẩm làng nghề ổn định đầu ra. Theo đó, giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn tăng qua từng năm, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn. Một số nghề còn góp phần mang giá trị văn hóa, nghệ thuật qua từng thời kỳ nên rất cần được lưu giữ và phát triển.
Đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: Bên cạnh việc phát triển các nghề truyền thống. Việc du nhập, nhân cấy nghề mới thời gian qua cũng được huyện quan tâm, mỗi năm huyện mở gần chục lớp đào tạo nghề với hơn 500 người tham gia. Các ngành nghề đào tạo, như may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp... và đã có 55% lao động có việc làm sau học nghề.
Bên cạnh phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, huyện Thiệu Hóa cũng đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nông nghiệp. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Thiệu Hóa đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên cây, chuyên con hiệu quả kinh tế cao.
Thông qua việc hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và hình thành nhiều sản phẩm đặc trưng đang được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, như: Rau an toàn (thị trấn Thiệu Hóa), dưa chuột an toàn (thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Toán), Kiệu (xã Thiệu Toán); nấm, mộc nhĩ, thỏ thương phẩm (xã Tân Châu), thanh long ruột đỏ (xã Thiệu Vũ), cá thương phẩm an toàn (xã Thiệu Long), cá giống (xã Minh Tâm)...
Khuyến khích DN, HTX tham gia
Theo ông Lê Văn Duy, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, vốn là địa phương có truyền thống sản xuất rau màu. Song đứng trước thực trạng sản xuất nông nghiệp thâm canh truyền thống gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, thiếu tính cạnh tranh,... HTX Thiệu Hưng đã khuyến khích và hỗ trợ, tập huấn cho các hộ thành viên thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hướng tới sản xuất những sản phẩm nông nghiệp bảo đảm tiêu chuẩn, thị hiếu của thị trường.
![]() |
Hỗ trợ nông dân quy trình canh tác, sản xuất theo hướng hữu cơ. |
Trên cơ sở chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được ban hành, huyện khuyến khích, kêu gọi các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm đặc trưng, đã được bày bán trên thị trường tham gia vào chương trình nhằm nâng cao giá trị, tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để nâng cao chất lượng đào tạo lao động nông thôn, thời gian tới, lãnh đạo huyện Thiệu Hóa cho biết sẽ tổ chức cho các cơ sở sản xuất, làng nghề, sản phẩm ngành nghề nông thôn tham gia các hội chợ để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tham gia đào tạo, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động ngành nghề nông thôn, có chính sách thu hút các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo... và nhiều giải pháp hữu hiệu khác.
Đặc biệt, năm 2020, nhằm xã hội hóa dạy nghề ngày càng chất lượng, huyện Thiệu Hóa tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các phương thức đào tạo, đào tạo theo định hướng phát triển của huyện và nhu cầu phát triển của thị trường lao động. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thy Lê