Huyện Kim Bôi (Hòa Bình) những năm trước đây từng là “huyện 30a” với điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Nhờ đẩy mạnh công tác đào tạo lao động nông thôn, đặc biệt hướng vào đối tượng học nghề là người dân tộc thiểu số. Đến nay, Kim Bôi đã có những bước chuyển dịch kinh tế - xã hội rất tích cực.
Đào tạo gắn với giảm nghèo
Ông Bùi Văn Dùm, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi, cho biết: “Giai đoạn 2015 - 2019, huyện đã tổ chức tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ giống lúa, ngô, cây ăn quả, phân bón cho gần 80 hộ; xây dựng 31 lượt mô hình sản xuất cho nhân dân với hơn 4.200 hộ tham gia; hỗ trợ máy móc, thiết bị và công cụ phục vụ sản xuất cho 3.500 hộ…
Lớp học nghề nuôi ong mật. |
Đặc biệt, các đối tượng thụ hưởng chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Do đó, đã tạo chuyển biến tích cực góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo động lực giúp đồng bào vượt khó vươn lên”.
Từ những hộ nông dân đơn lẻ, được hướng dẫn kỹ thuật, định hướng mô hình sản xuất theo hướng trồng màu, huyện Kim Bôi đã thành lập nhiều mô hình kinh tế hoạt động dưới hình thức Hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất, tạo chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua đó phát triển ổn định 21 HTX, 15 trang trại, và 1 nông trại.
Thời gian qua, xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo nền tảng cho công tác giảm nghèo bền vững, những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện và đã mang lại hiệu quả tích cực.
Theo bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình, trên cơ sở kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, hàng năm, tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương dành cho lĩnh vực này.
"Ngành LĐ-TB&XH tổ chức điều tra, khảo sát, phê duyệt danh mục đào tạo nghề nghiệp, phê duyệt định mức chi phí đào tạo nghề nghiệp, theo đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát thực, cụ thể, đáp ứng nhu cầu thực tiễn", bà Thủy cho biết.
Nỗ lực kết nối cung - cầu
Để phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề cho người lao động, tỉnh đã mở 131 lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn cho 7.223 lượt người là cán bộ, công chức cấp xã. Kết quả, giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh đã đào tạo nghề cho hàng chục nghìn lao động.
Nỗ lực kết nối cung - cầu lao động trong đào tạo lao động nông thôn. |
Lao động sau khi được đào tạo đã có công việc ổn định, tạo thu nhập cho gia đình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương. Giai đoạn 2016-2020 tỉnh đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm nghèo, cụ thể giảm được 3,16%/năm (chỉ tiêu đặt ra giảm 3%/năm). Kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ từ việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Xác định đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người dân là "cần câu” giúp người dân thoát nghèo, hoạt động này không ngừng được đẩy mạnh. Trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, công tác dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm bị lắng xuống. Để góp phần khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, ngay sau đợt giãn cách xã hội, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình đã khởi động lại hoạt động đào tạo nghề, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp được 3.243 người, bằng 57% so với cùng kỳ năm trước, bằng 20,9% kế hoạch năm.
Nỗ lực kết nối cung - cầu lao động, 6 tháng qua, toàn tỉnh Hòa Bình ước giải quyết việc làm trong nước cho 5.000 lao động, bằng 62% so với cùng kỳ năm trước, bằng 31% kế hoạch năm. Hiện tại, các hoạt động đào tạo nghề, kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực để đạt được mục tiêu, kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động, tạo nền tảng cho thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thy Lê