Chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Xuân Hội (Lạc Vệ, Tiên Du, Bắc Ninh), chia sẻ, trước kia gia đình chị vốn làm nông nghiệp, thu nhập bấp bênh, lấy công làm lãi. Tuy nhiên, kể từ khi được Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh) đào tạo nghề sản xuất mây tre đan. Chị đã có thêm một nghề để ổn định cuộc sống.
Thêm nghề, nông dân tăng thu nhập
Chị Hằng hồ hởi chia sẻ: "Học nghề này không khó mà lại có thể làm được quanh năm. Tôi chỉ mất 2,5 tháng là có thể làm được sản phẩm để bán. Cuộc sống gia đình đã khấm khá hơn trước".
Một lớp dạy nghề mây tre đan. |
Hiện nay, ở thôn Xuân Hội không chỉ có gia đình chị Hằng mà còn có trên 700 lao động khác cũng tham gia sản xuất mây tre đan trong các hợp tác xã (HTX), công ty, tổ hợp sản xuất.
Không chỉ được đào tạo nghề sản xuất mây tre đan, nhiều nông dân ở Bắc Ninh cũng được hỗ trợ học các nghề sản xuất nông nghiệp như trồng rau, chăn nuôi...
Ông Nguyễn Văn Khang, Phó Chủ tịch HTX rau củ quả an toàn Liên Ấp (xã Việt Đoàn), cho biết, trước đây hoạt động sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn, từ sản xuất tới tiêu thụ. Tuy nhiên từ ngày được học nghề, nhiều hộ gia đình đã áp dụng được khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, gia tăng năng suất và giá trị sản phẩm.
Trước kia 1 sào rau chỉ thu được 4-5 triệu đồng, nhưng nay đã thu được 7-8 triệu đồng/sào. Trung bình một ngày, HTX cung ứng ra thị trường từ 8 tạ đến 1 tấn rau củ quả. Sản phẩm có thị trường tiêu thụ khá rộng lớn, từ siêu thị, trường mầm non đến chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở tỉnh Bắc Ninh.
"Không chỉ học nghề, nông dân trong HTX còn được chuyển giao khoa học kỹ thuật liên tục. Nhờ vậy, nhận thức sản xuất an toàn cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật của bà con nông dân cũng tốt hơn. Các sản phẩm rau củ quả làm ra cũng đẹp, ngon và an toàn hơn", ông Khang chia sẻ.
Là một trong những đơn vị tổ chức dạy nghề cho nông dân, ông Lê Đình Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh, cho biết, năm 2020, trung tâm được giao nhiệm vụ đào tạo 3 lớp nghề theo chương trình "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới".
"Để kết quả học tập được tốt nhất, trung tâm đã phân phối đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, mời giáo viên thỉnh giảng có tay nghề, có trình độ từ nghệ nhân, chuyên gia... trong các lĩnh vực đứng lớp" - ông Hùng nói.
Đổi mới cách thức đào tạo
Hiện nay, trung tâm còn lồng ghép chương trình học với các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ vào các lớp dạy nghề nông nghiệp. Tổ chức cho học viên tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho học viên sau học nghề.
Tổ chức cho học viên tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả. |
Đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, một số mô hình đào tạo được áp dụng như: Mô hình dạy nghề lưu động tại khu dân cư, mô hình dạy nghề tại các làng nghề, tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp. Trong quá trình đào tạo, các chương trình và thời gian dạy nghề được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu người học và kỹ thuật, công nghệ sản xuất, chú trọng tới rèn luyện kỹ năng nghề cho học viên bảo đảm hiệu quả ứng dụng nghề nghiệp sau đào tạo.
Để đảm bảo hiệu quả cao nhất, ông Lê Đình Hùng cho biết, 6 tháng cuối năm 2020, trung tâm tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát việc tham gia học tập của học viên. Khảo sát hiệu quả sau đào tạo nghề của học viên theo Đề án 1956 trong năm 2019 -2020, tăng cường mối quan hệ, liên kết với các doanh nghiệp.
Nói về kế hoạch tổ chức đào tạo cho lao động nông thôn trong năm nay, ông Đinh Văn Duân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, gắn với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành cho các cơ sở đào tạo nghề; gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo…
Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2020, Bắc Ninh phấn đấu đào tạo cho 60% số lao động khu vực nông thôn các nghề nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đào tạo cho 20% lao động tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Thy Lê