Thành lập vào năm 2017, HTX Nông nghiệp Hậu Thành, xã Long An không chỉ thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao cho các thành viên, mà còn tích cực trong công tác dạy nghề thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ và nông dân lúc nhàn rỗi ở địa phương.
Điểm sáng HTX Hậu Thành
Trải qua 4 năm hoạt động sản xuất kinh doanh, đến nay, HTX Hậu Thành có 70 thành viên và 176 hộ nông dân tham gia liên kết trên diện tích hơn 188 ha. HTX tham gia vào dự án thực hiện cánh đồng lớn, hỗ trợ cho nông dân tham gia liên kết từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm 3 năm liền.
HTX Hậu Thành đang là điểm sáng trong công tác dạy nghề nông thôn trên địa bàn xã Long An (Ảnh TL). |
Bà Nguyễn Thị Minh Yến, Giám đốc HTX Hậu Thành, cho biết không chỉ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX còn xây dựng phương án phát triển về ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, để tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ và nông dân lúc nhàn rỗi ở địa phương, có thêm thu nhập cho gia đình.
Đến nay, HTX có khoảng 200 chị em tham gia, thu nhập từ 2 đến 6 triệu đồng/tháng/người, từ đó góp phần giảm số hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã.
HTX còn thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề đan thảm cho chị em phụ nữ nghèo và người lớn tuổi. Mỗi ngày các chị em tranh thủ thời gian có thể thu nhập từ 40.000 đến 200.000 đồng/ngày.
Chị Huỳnh Thị Mềm, ấp Hậu Thành, thành viên của HTX gần 10 năm nay, chia sẻ: “Nhà tôi làm ruộng, chăn nuôi. Xong chuyện nhà cửa là tôi bắt tay vào đan hàng thủ công liền. Nhờ cán bộ HTX chỉ nghề, tôi làm quen tay nên cũng kiếm được trung bình từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình tôi cũng khấm khá”.
Theo đánh giá của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long An, HTX Hậu Thành đang phát triển rất ổn định, tạo việc làm cho phụ nữ, nông dân yếu thế tại địa phương, tăng thêm thu nhập cải thiện đáng kể cuộc sống cho người lao động.
Những năm qua, Hội Phụ nữ và các ban ngành chức năng xã cũng rất quan tâm, thường xuyên thăm hỏi hoạt động và giới thiệu thêm hội viên phụ nữ, người lao động cho HTX đủ nguồn nhân lực phục vụ sản xuất. HTX cũng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành từ địa phương.
Cùng với đó, các thành viên HTX cũng luôn chia sẻ giúp đỡ nhau trong sản xuất, truyền nghề, dạy nghề, từ đó không chỉ đem lại hiệu quả hoạt động cho HTX mà còn phát triển kinh tế hộ nông dân ở địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới của xã.
Tăng cường liên kết dạy nghề
Không chỉ có HTX Hậu Thành, những năm qua, phong trào dạy nghề tiểu thủ công, mỹ nghệ trên địa bàn xã Long An liên tục được đẩy mạnh, mở rộng quy mô, mang lại kết quả rất tích cực.
Được học nghề giúp lao động nông thôn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống (Ảnh TL). |
Thực tế cho thấy, sau khi hoàn thành chương trình tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn các lao động nông thôn ở Long An đã phát huy được nghề ngay tại địa phương hoặc làm việc tại một số HTX, doanh nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững.
Chị Nguyễn Thị Trang ở xã Long An cho biết, gia đình chị trước đây chủ yếu trông chờ vào thu nhập từ nghề phụ hồ của chồng. Sau khi được đào tạo nghề thủ công do huyện tổ chức, chị đã có việc làm, có thu nhập thường xuyên. Từ đó, gia đình chị đã từng bước vượt qua khó khăn.
Tương tự, bà Nguyễn Bích cho biết sau thời gian dài chỉ trông vào mấy sào ruộng, đời sống rất khó khăn, kinh tế gia đình đã có bước chuyển biến lớn khi bà tham gia học nghề, mỗi ngày đan được 10 - 15 tấm thảm, thu nhập bình quân hàng tháng đạt 3 – 4 triệu đồng.
Với đặc trưng không đòi hỏi quá nhiều về học vấn, sức khỏe, độ tuổi, thời gian nên các lớp học nghề thủ công mỹ nghệ được tổ chức ở xã Long An như đan thảm lục bình, đan giỏ... là những nghề thu hút khá nhiều lao động nông thôn tham gia trong những năm qua.
Theo đại diện UBND xã Long An, trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, xã sẽ tiếp tục xúc tiến công tác đào tạo nghề, khuyến khích người lao động sau học nghề tham gia, thành lập các HTX, tổ hợp tác.
Bên cạnh các nghề thủ công mỹ nghệ, xã sẽ triển khai thêm các nghề mới như pha chế đồ ăn, cơ khí, xây dựng… Đồng thời, đẩy mạnh dạy nghề nông nghiệp, giúp người nông dân vững vàng trước những tác động do dịch Covid-19 cũng như tình trạng biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.
Lệ Chi