Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của huyện Tam Nông đạt 87%, vượt xa so với mục tiêu đề ra. Với người nông dân trên địa bàn, tham gia học nghề và có việc làm đồng nghĩa với “bài toán” tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững được giải quyết.
Nâng cao thu nhập
Năm 2016, sau khi được tạo điều kiện tham gia lớp dạy trồng rau an toàn do huyện tổ chức, gia đình anh chị Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Hoàng Mạnh ở khu 8, xã Hương Nộn đã triển khai thành công mô hình HTX rau an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Công tác đào tạo nghề nông thôn ở Tam Nông đang được triển khai hiệu quả (Ảnh TL). |
Đến nay, thu nhập bình quân của HTX rau màu VietGAP Mạnh Liên đạt trên 50 triệu đồng/tháng, sản phẩm đầu ra có giá thành cao hơn giá thị trường 15 - 30%. HTX cũng đang góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương trung bình 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Cũng ở xã Hương Nộn, cách đây 5 năm, khi Trung tâm dạy nghề Tam Nông mở lớp dạy nghề chăn nuôi gia cầm, chị Triệu Thị Nguyệt đã mạnh dạn đăng ký tham gia theo học.
Tốt nghiệp, cầm chứng chỉ nghề trong tay, chị Nguyệt vững tin hơn với những kiến thức mình đã được tập huấn, trải nghiệm. Từ đó, chị mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất và cung ứng giống gia cầm. Với 2 lò ấp trứng, cứ 1 tuần cơ sở của gia đình chị cung ứng 2.000 con giống và trứng vịt lộn ra thị trường. Ngoài ra chị còn cung ứng cám chăn nuôi, thuốc thú y cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Bình quân thu nhập của gia đình chị Nguyệt sau khi trừ chi phí đạt từ 60 đến 70 triệu đồng/năm. Từ một nông dân chính hiệu, chị Nguyệt đã vươn lên làm giàu, trở thành triệu phú, ăn nên làm ra từ nghề ấp nở trứng gia cầm. Gia đình chị Nguyệt đang có cơ ngơi với nhà 2 tầng khang trang, các con được học hành đầy đủ.
Bên cạnh mô hình dạy nghề nông nghiệp tại các xã Hương Nộn, Quang Húc và xã Dân Quyền, huyện Tam Nông đã triển khai một số mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả cao như mô hình trồng và nhân giống nấm, mô hình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch nhựa sơn tại xã Bắc Sơn, Vạn Xuân; các lớp dạy may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, hàn công nghiệp…
Triển khai đồng bộ
Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Tam Nông, thời gian qua, thực hiện Quyết định 1956, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo về đào tạo nghề, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đến năm 2020”.
Các chương trình đào tạo sẽ tiếp tục được huyện triển khai đồng bộ (Ảnh TL). |
Đồng thời, huyện chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức của người dân về học nghề và việc làm. Điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của người dân và triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương đến người học.
Xác định, để thực hiện tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn thì phải lấy cấp xã là trung tâm, huyện đã chú trọng làm tốt việc khảo sát nhu cầu học nghề tại các xã, thị trấn và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Việc đào tạo nghề được tổ chức với sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 yếu tố: Nhà quản lý - người lao động nông thôn - HTX, doanh nghiệp tiếp nhận lao động sau học nghề.
Qua 10 năm thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã tổ chức thành công gần 100 lớp đào tạo nghề cho hơn 2.000 học viên.
Các chuyên đề về đào tạo nghề và giảm nghèo bền vững đã ra đời và từng bước đi vào cuộc sống. Người lao động sau khi được học nghề đã biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất của gia đình mình, tham gia làm việc tại các HTX, doanh nghiệp.
Đặc biệt, nông dân ở những xã khó khăn như Thọ Văn, Dị Nậu, Văn Lương ... đã tự tin chuyển đổi cơ cấu mùa vụ gắn với cơ cấu giống cây trồng, tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ hiệu quả của công tác đào tạo nghề, phần lớn các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của các xã đều được cải thiện về mức độ, kinh tế địa phương tiếp tục phát triển. Nhiều địa phương đã xây dựng được các HTX, mô hình sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp có hiệu quả.
Tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất được triển khai, ứng dụng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng nông, lâm sản. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.
Thời gian tới, huyện tập trung ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp. Phấn đấu tỷ lệ lao động có việc làm mới hoặc tự tạo việc làm ngay sau học nghề đạt 80% trở lên.
Mỹ Chí