Là thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hai Huynh ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, ông Trần Văn Đáng cho biết nhờ tham gia vào các lớp tập huấn sản xuất lúa thông minh đã giúp ông có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết hơn về kỹ thuật trồng lúa đáp ứng với xu thế mới, ứng phó biến đổi khí hậu.
Học trồng lúa theo xu thế mới
Điều quan trọng, sau khi tham gia lớp tập huấn thì ông Đáng áp dụng ngay mô hình trồng lúa cấy bằng máy, giúp ít tốn tiền công. Với phương thức canh tác mới đã giúp mang lại lợi nhuận hơn trồng lúa thông thường 20%-30%.
Mô hình trồng lúa thông minh được nhiều nông dân huyện Vị Thuỷ học hỏi. |
Mỗi năm, từ 2ha lúa, gia đình ông Đáng làm 2 vụ lúa và nuôi một vụ cá, sau khi trừ các khoản chi phí vụ lúa hè thu, thu lãi 40-50 triệu đồng, với vụ đông xuân lãi 70-80 triệu đồng.
Nhờ chú trọng nâng cao kỹ thuật trồng lúa theo xu thế mới cho nông dân, HTX Hai Huynh là HTX đầu tiên thực hiện mô hình trồng lúa thông minh hiệu quả ở tỉnh Hậu Giang và giúp thành viên HTX giảm chi phí, ít sâu bệnh, giảm công lao động và cho năng suất, lợi nhuận cao hơn, với bình quân 1ha lúa canh tác theo mô hình trồng lúa thông minh mang lại lợi nhuận từ 30 triệu đồng/ha.
Thời gian qua, bên cạnh việc giúp nông dân thạo nghề trồng lúa theo kỹ thuật thông minh thì huyện Vị Thủy đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề ở khu vực kinh tế hợp tác khi toàn huyện Vị Thủy có 19 HTX nông nghiệp, 43 tổ hợp tác, 45 câu lạc bộ khuyến nông và tổ sản xuất lúa giống.
Nhất là huyện đã mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng ngàn lượt nông dân nhằm giúp họ dễ dàng tiếp cận các ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.
Điển hình như HTX Tân Long ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thuỷ với sản phẩm Sản phẩm “Gạo sạch Vị Thủy” đã có tem truy xuất nguồn gốc, đang được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét chứng nhận nhãn hiệu.
Với 51 thành viên, sản xuất trên diện tích 59ha, trong 2 năm nay, từ việc tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng lúa sạch, thì các thành viên HTX này thực hiện sản xuất lúa hữu cơ với những quy trình nghiêm ngặt.
Có 5,2ha lúa áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ, ông Châu Thanh Bạch, thành viên HTX Tân Long chia sẻ sau khi tham gia lớp tập huấn thì ông lập tức áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Điều này vừa tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng vừa mang lại giá trị cao hơn cho cây lúa.
Giúp nông dân áp dụng vào thực tế sản xuất
Qua ghi nhận của giới chuyên gia thì năng suất lúa sản xuất theo hình thức hữu cơ ở HTX Tân Long đạt trung bình từ 5,2-5,5 tấn/ha, chỉ thấp hơn sản xuất lúa vô cơ từ 0,5-0,8 tấn/ha nhưng giá thành bán ra cao hơn khoảng 500 đồng/kg, chi phí đầu tư cho 1ha lúa cũng giảm được từ 7-8 triệu đồng do sử dụng chất hữu cơ. Như vậy, tính bình quân nông dân sản xuất lúa hữu cơ có lợi nhuận gấp khoảng 1,2 lần so với lúa vô cơ.
Ngoài trồng lúa thì trên địa bàn huyện hiện nay có 5 mô hình trang trại (gồm 2 trang trại nuôi thủy sản, 3 trang trại chăn nuôi heo), 250 mô hình sản xuất có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm và 280 tổ, nhóm, câu lạc bộ sản xuất theo hướng sản xuất đa canh, liên kết, hợp tác.
Giúp nông dân Vị Thuỷ áp dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết. |
Và việc tổ chức đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến nhằm giúp nông dân áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất ở các mô hình này là rất cần thiết.
Ngoài việc thường xuyên mở các lớp tập huấn cho nông dân thì việc đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động nông thôn ở địa phương vẫn đang được huyện Vị Thuỷ tiếp tục chú trọng.
Từ tháng 6/2020 cho đến nay, huyện Vị Thủy đã tổ chức 7 lớp đào tạo nghề cho 175 lao động nông thôn, người lao động nghèo tại các xã: Vị Trung, Vị Thắng, Vị Thủy, Vị Thanh, Vĩnh Trung, bao gồm: Đan lục bình, bảo vệ, kỹ thuật xây dựng, điện dân dụng. Thông qua việc dạy nghề này sẽ giúp cho lao động ở địa phương sớm có công việc ổn định và nâng cao đời sống.
Đối với nghề phi nông nghiệp, để tạo việc làm cho người lao động sau học nghề thì huyện Vị Thuỷ liên kết với các doanh nghiệp để giới thiệu lao động việc làm cho lao động sau học nghề.Với những nghề nông nghiệp, sau khi hoàn thành khóa học thì các nông dân trong huyện có thể áp dụng vào thực tế sản xuất tại chính mảnh vườn, thửa ruộng của gia đình...
Thanh Loan