Là một trong 3 huyện duyên hải của tỉnh Bến Tre, Thạnh Phú hiện đang có các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả như: Nghề bó chổi cho làng nghề xã Mỹ An, hoặc nghề may công nghiệp ở các xã Thạnh Phong, An Quy, Mỹ An, Quới Điền…
Nâng thu nhập từ các mô hình nghề
Thời gian gần đây, may gia công là một mô hình được nhiều chị em phụ nữ trong huyện Thạnh Phú chọn lựa, vì thuận lợi trong việc sắp xếp thời gian để đưa đón các con đến trường và chăm lo cho gia đình, đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Sự hỗ trợ của dự án đào tạo nghề may công nghiệp đã góp phần tạo việc làm ổn định, giúp người dân trong huyện thoát nghèo.
Nghề bó chổi ở làng nghề Mỹ An giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương. |
Trong khi đó, mô hình nghề bó chổi cọng dừa tại làng nghề xã Mỹ An vốn đã có từ lâu và luôn duy trì hoạt động truyền nghề này. Hiện tại, làng có hơn 80 cơ sở sản xuất chổi cọng dừa với quy mô lớn, giải quyết việc làm cho từ 620 - 650 lao động nhàn rỗi tại địa phương, doanh thu đạt được từ 22 - 25 tỷ đồng/năm.
Hàng năm, làng nghề bó chổi Mỹ An cho ra thị trường hơn 1 triệu sản phẩm các loại, tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tp.HCM…
Những năm qua, nghề bó chổi cọng dừa ở Mỹ An phát triển mạnh, có thị trường tiêu thụ ổn định, đã góp phần thay đổi bộ mặt của xã Mỹ An. Cuộc sống của lao động địa phương thay đổi đáng kể.
Điển hình như trường hợp các chị Trần Thị Tuyết, Trần Thị Hồng và vợ chồng anh Huỳnh Văn Bình. Từ chỗ không có đất để ở, không có việc làm ổn định, họ trở thành chủ cơ sở sản xuất trong làng nghề Mỹ An và tạo việc làm cho hàng chục lao động khác.
Thới Thạnh cũng là một trong những xã điển hình của huyện Thạnh Phú trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hồi cuối năm ngoái, xã về đích nông thôn mới sau hơn 8 năm vượt khó.
Xã Thới Thạnh đã thành lập được 6 tổ hợp tác, 2 HTX là HTX Nông nghiệp Thới Thạnh và HTX Dịch vụ Thủy sản với gần 230 thành viên tham gia. Việc thành lập các tổ hợp tác, HTX đã tạo hướng liên kết, nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm của xã, đồng thời giải quyết việc làm cho các lao động nông thôn. Từ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 15 triệu đồng năm 2011 lên 45,56 triệu đồng năm 2019.
Giúp người học có việc làm ngay
Bên cạnh đó, xã Thới Thạnh còn thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững thông qua việc mở các lớp dạy nghề nông thôn, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả tại địa phương.
Hiện, số lao động có việc làm thường xuyên tại xã đạt hơn 90%, hàng năm trung bình có 5 thanh niên tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Cùng với xã Thới Thạnh, các xã khác trong huyện Thạnh Phú xem việc phát triển kinh tế hợp tác tiếp tục là xu thế chung của huyện và được gắn liền vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Huyện Thạnh Phú giúp người học có việc làm ngay sau học nghề. |
Do đó, huyện Thạnh Phú tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả và tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ; hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia.
Nguồn nhân lực của huyện Thạnh Phú trong độ tuổi lao động được đánh giá là khá đủ để đáp ứng cho các dự án thuộc thế mạnh của huyện. Thời gian tới, huyện sẽ tiến hành rà soát nhu cầu cần đào tạo, ưu tiên chọn những ngành nghề phù hợp, có khả năng huy động học viên tham gia và có khả năng giải quyết việc làm sau học nghề để tổ chức đào tạo trong năm.
Dự kiến năm 2020, huyện sẽ mở 25 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp cho trên 600 lao động. Trong thời gian tổ chức dạy nghề, huyện sẽ nắm bắt nhu cầu cần chuyển đổi nghề hoặc thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác sản xuất, giúp người học có việc làm ngay sau học nghề.
Thanh Loan