Hai năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh Diệu (ấp Quốc Kỷ, xã Hưng Thành) sau khi học nghề kỹ thuật trồng rau an toàn đã ứng dụng hiệu quả khi thực hiện mô hình trồng hẹ theo hướng an toàn sinh học và cho lợi nhuận khá với mức bình quân 4,5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, mô hình của bà Diệu được Hội phụ nữ xã Hưng Thành nhân rộng và thành lập tổ hợp tác.
Đưa kiến thức học nghề vào các mô hình
Hoặc như ông ông Trịnh Văn Công (ấp Trung Hưng 3, xã Vĩnh Hưng A), sau khi học nghề kỹ thuật nhân giống lúa cấp xác nhận, 3 năm nay đã áp dụng kiến thức vào vụ đông xuân, sau khi thu hoạch và trừ các khoản chi phí, cho lợi nhuận 4 triệu đồng/công.
Nhờ học nghề kỹ thuật trồng rau an toàn đã giúp nông dân xã Hưng Thành có nguồn thu nhập khá. |
Với việc chú trọng học hỏi các kiến thức về nghề nông trong thời gian qua đã giúp người nông dân Vĩnh Lợi áp dụng xây dựng được các mô hình sản xuất ở gia đình hiệu quả, cho thu nhập khá, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế ở địa phương.
Điều này cần ghi nhận việc đổi mới ở huyện Vĩnh Lợi trong việc đào tạo nghề nông thôn, nhất là việc nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân ứng dụng vào các mô hình phát triển kinh tế.
Mặc khác, huyện cũng xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.
Trong 3 năm trở lại đây, huyện Vĩnh Lợi đã đào tạo nghề cho 34.877 lao động nông thôn, chiếm tỷ lệ 53%, vượt so với chỉ tiêu đề ra là 51,5%. Tổng số lao động qua đào tạo nghề được giải quyết việc làm đạt 76,18%. Các ngành nghề được đào tạo chủ yếu là: May công nghiệp, sửa chữa máy nổ, đan đát, kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho gà, vịt; kỹ thuật nhân giống lúa, kỹ thuật trồng rau an toàn...
Theo đánh giá, lao động nông thôn trong huyện sau khi học nghề đều nắm vững được những kiến thức cơ bản, tiếp cận được tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Nhiều lao động đã vào công ty, doanh nghiệp làm việc với mức lương cơ bản, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.
Hơn thế nữa, huyện Vĩnh Lợi còn tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Sau đó, phân theo từng nhóm đối tượng lao động như: Người dân tộc, con thương binh, liệt sĩ, hộ nghèo, cận nghèo, nhóm lao động khác chưa có tay nghề, chưa có việc làm…
Tạo nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển
Trên cơ sở đó, huyện Vĩnh Lợi đã tiến hành tổng hợp, xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp dạy nghề nhằm đáp ứng nhu cầu, phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tế của địa phương.
Ngoài ra, việc tạo sinh kế cho người dân trong khu vực kinh tế hợp tác cũng được huyện Vĩnh Lợi chú trọng. Hiện, toàn huyện có 23 HTX và 59 tổ hợp tác sản xuất với hơn 10.000 thành viên. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành thành lập các tổ hợp tác, HTX ở những nơi có đủ điểu kiện để đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác.
Hoạt động của HTX, tổ hợp tác chủ yếu là hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế hộ thông qua dịch vụ, trao đổi kỹ thuật và liên kết cộng đồng trong sản xuất. Bên cạnh đó, huyện và các ngành có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tham gia thực hiện các đề án, dự án khuyến nông, khuyến ngư; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.
Nông dân Vĩnh Lợi đang hưởng lợi từ việc học nghề nông thôn. |
Đồng thời, huyện Vĩnh Lợi còn đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết với các thành phần kinh tế trong sản xuất, tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển, giúp các HTX, tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm hàng hóa theo hợp đồng.
Mới đây, khi khảo sát hoạt động giải quyết việc làm ở huyện Vĩnh Lợi, ông Nguyễn Văn Ngôn, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh Bạc Liêu đánh giá cao tính hiệu quả trong việc đổi mới đào tạo nghề của huyện.
Ông Ngôn cho rằng huyện nên tiếp tục tăng cường duy trì dạy nghề với nhiều hoạt động đổi mới tại địa phương và tạo việc làm ổn định. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tư vấn việc làm trong từng giai đoạn, cũng như nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở trong công tác phối hợp với các doanh nghiệp tại địa phương tạo cơ hội việc làm cho người lao động.
Thanh Loan