Nhiều năm trước, ấp Phước An là rốn nghèo ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu. Đây là nơi tập trung bà con Việt kiều nghèo từ Camphuchia hồi hương, hàng ngày bám mặt hồ Dầu Tiếng khai thác thủy sản.
Hỗ trợ nghề phù hợp ở Phước Ninh
Không đứng ngoài nhìn bà con loay hoay tìm kế mưu sinh, bà Lâm Thị Có đã bàn với chị Nguyễn Thị Kim Phụng, chủ một cơ sở sản xuất nhang, để thành lập Tổ hợp tác sản xuất nhang nhằm dạy nghề se nhang và tạo việc làm cho gần 100 hộ dân nghèo ở ấp Phước An và xã Phước Ninh tham gia, trong đó phần lớn là bà con Việt kiều từ Camphuchia về.
Nghề se nhang giúp người dân xã Phước Ninh thoát nghèo. |
Nhờ nghề se nhang, nhiều lao động nông thôn ở các hộ nghèo ở xã Phước luôn có việc làm và thu nhập ổn định. Còn tỷ lệ hộ nghèo ở ấp Phước An tính đến năm 2020 hiện chưa tới 1%".
Để tạo sinh kế cho người nghèo ở địa phương, bà Lâm Thị Có còn tham gia thành lập HTX Sản xuất thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh để làm các dịch vụ hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật (không tính lãi) cho nông dân trong xã.
Theo đó, HTX bao thức ăn nguyên vụ cho người nuôi trồng thủy sản (ba ba, cá lóc), đồng thời đứng ra ký hợp đồng liên kết tiêu thụ theo chuỗi với các công ty ở Bình Dương, Đồng Tháp, Tp.HCM, trong đó có một công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp ở Bình Dương để lo đầu ra ổn định cho bà con.
Nhờ đó, làng nghề nuôi cá lồng bè trên hồ Dầu Tiếng của các Việt kiều nghèo từ Campuchia hồi hương ngày càng phát triển với hơn 100 người đăng ký qua HTX. Trong số đó, có 20 thanh viên chuyên nuôi trồng thủy sản và đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả.
Theo bà Lâm Thị Có, Giám đốc HTX Sản xuất thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh, HTX hiện đang phát triển tốt nhưng thiếu nhân lực quản lý. Để bảo đảm nguồn nhân lực có chất lượng cho hoạt động của HTX trong thời gian tới, các thành viên trong Ban quản trị, Ban Giám đốc sẽ tham gia các lớp đào tạo bài bản nhằm giúp HTX hoạt động tốt hơn.
Ngoài xã Phước Ninh thì ở huyện Dương Minh Châu còn có xã Chà Là cũng là địa phương có nhiều phương cách tạo sinh kế, dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người nghèo, trong đó có đóng góp lớn của HTX nông nghiệp Chà Là.
Đóng góp lớn của HTX
Với mong muốn hỗ trợ thành viên cùng nhau sản xuất theo hướng nông nghiệp bền vững, ngoài sản xuất các loại rau ăn lá, thời gian gần đây, HTX Chà Là đã định hướng và tham gia tổ chức tập huấn cho các thành viên phát triển thêm cây măng tây trong nhà lưới.
Nhờ tham gia tập huấn giúp người dân xã Chà Là trồng măng tây theo hướng hiện đại. |
Ngoài ra, HTX Chà Là còn tư vấn cho nông dân trong thời gian chờ thu hoạch măng tây thì trồng xen canh một số loại cây như: Đậu đen, đậu xanh để “lấy ngắn nuôi dài”, tăng vòng quay của đất.
Ông Phạm Văn Trung, Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp Chà Là, cho hay, cây được trồng trong nhà lưới hạn chế được tác động tiêu cực của thời tiết, giảm được chi phí chăm sóc. Về lợi nhuận, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 60 triệu đồng/1.000m2.
Là một trong những người được hưởng lợi từ việc tham gia HTX Chà Là, anh Vũ Văn Tuế cho biết đã được HTX hỗ trợ khá nhiều để phát triển sản xuất.
Khi tham gia HTX thì anh Tuế được học kỹ thuật sản xuất măng tây theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Gia đình anh hiện có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, cao và ổn định hơn nhiều so với mức thu nhập thấp, bấp bênh trước đây.
Bên cạnh hai xã nêu trên, để hỗ trợ nông dân, nhất là các hộ nghèo phát triển kinh tế, trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong huyện Dương Minh Châu thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng cây dược liệu, phát triển cây ăn quả ôn đới của hội viên nông dân cho thu nhập cao.
Nhờ vào các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác nông nghiệp mà hiện nay mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Dương Minh Châu đã có bước phát triển đáng kể và đem lại hiệu quả cao với diện tích trên 95.000m2 nhà lưới, sản xuất các loại rau ăn lá, rau ăn trái, dưa lưới…
Dự kiến trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Dương Minh Châu sẽ tập trung chuyển đổi các vùng đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Để việc chuyển đổi có hiệu quả cao thì thời gian tới các lao động nông thôn và nông dân trong huyện cần tiếp tục được tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, có điều kiện để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ…
Thanh Loan