Trong tháng 11/2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Trường Trung cấp Việt Thuận, UBND xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn) đã hoàn thành lớp đào tạo nghề Nghiệp vụ bàn cho 34 lao động nông thôn là đồng bào dân tộc trong xã nhằm phục vụ cho việc phát triển ngành du lịch ở địa phương.
Chú trọng đào tạo nghề
Với 3 tháng được đào tạo nghề, các học viên là người dân tộc thiểu số đã được trang bị những kiến thức cơ bản nghiệp vụ bàn, một số kiến thực liên quan đến du lịch.
Ngoài ra các học viên còn được dạy những kỹ năng bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và rèn luyện tác phong của người lao động trong phục vụ nhà hàng, khách sạn…Kết thúc khóa học, các học viên còn được giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện Ninh Sơn.
Người dân tộc Raglai ở xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn) được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. |
Huyện Ninh Sơn hiện có gần 20.200 người là đồng bào các dân tộc thiểu số (chiếm 23,19% dân số toàn huyện), chủ yếu là người dân tộc Raglai, K’Ho, Chăm, Nùng…
Để giúp người dân tộc thiểu số có việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập, những năm qua, địa phương đã chú trọng công tác đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp với những mô hình sản xuất và điều kiện thực tế ở địa phương.
Ở xã Ma Nới (địa phương có đông đồng bào dân tộc Raglai sinh sống), năm 2019 huyện Ninh Sơn mở 6 lớp đào tạo nghề cho 180 lao động nông thôn với đa phần là dân tộc thiểu số, bao gồm lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc cây công nghiệp.
Ngoài ra, huyện còn tổ chức tập huấn cho 90 hộ đồng bào thiểu số có hợp đồng chăn nuôi bò cái sinh sản về kỹ thuật chăn nuôi gia súc tại xã Ma Nới.
Sau khi học tập, đa số các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đã biết áp dụng khoa học-kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi.
Anh Pinăng Đại ở thôn Gia Rót, xã Ma Nới, cho biết trước đây trên diện tích 6 sào, mình canh tác đủ loại cây trồng nhưng năng suất đạt thấp. Từ khi áp dụng những kiến thức học được qua lớp tập huấn, gia đình anh đã trồng 6 sào bắp giống NK-7328, áp dụng quy trình kỹ thuật gieo trồng theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, đào giếng trữ nước chống hạn cho bắp.
Vì vậy, khi thời tiết nắng hạn, 6 sào bắp của gia đình anh Pinăng Đại vẫn phát triển tốt, năng suất đạt cao. Từ kết quả đào tạo nghề, nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ma Nới được trang bị kiến thức, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống của bà con ngày càng được cải thiện.
Nỗ lực giảm nghèo
Thông qua việc tổ chức đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt vào nhiều chương trình hỗ trợ khác trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi đã giúp có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ninh Sơn và rất cần được triển khai nhân rộng.
Huyện Ninh Sơn chú trọng tập huấn kỹ thuật trồng trọt cho đồng bào dân tộc thiểu số. |
Trong 5 năm qua đã có 764 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Sơn thoát nghèo thông qua các chương trình giảm nghèo và tạo sinh kế, dạy nghề. Trong số địa phương thực hiện tốt giảm nghèo, điển hình có thôn đồng bào dân tộc Chăm ở thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn, đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,18%, trong khi hộ khá giàu chiếm tới 37%.
Tuy nhiên, với tỷ lệ mới chỉ 30% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Sơn được đào tạo nghề thì huyện sẽ cần nâng cao tỷ lệ này trong thời gian tới.
Ở huyện Ninh Sơn có HTX dịch vụ nông nghiệp Tầm Ngân (tại xã Lâm Sơn) được thành lập hơn một năm nay, với một số thành viên là người dân tộc thiểu số. HTX có sản phẩm chủ lực nho, táo và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, được kỳ vọng sẽ giúp giảm nghèo, tạo thêm sinh kế cho lao động địa phương, nhất là người dân tộc thiểu số.
Thời gian qua HTX đã vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả chuyển sang tham gia trồng ớt Hàn Quốc. Hiện nay, với diện tích gần 20ha ớt, được HTX thu mua với giá 11.000 đồng/kg, có đầu ra giúp bà con yên tâm sản xuất và đem về nguồn thu nhập ổn định, không còn phải lo nghèo khó như trước đây.
Ông Da Droách Ha Khiết, Giám đốc HTX Dịch vụ Tầm Ngân, cho biết: Thời gian tới sẽ vận động thêm các thành viên HTX nhân rộng mô hình trồng ớt Hàn Quốc để phát triển kinh tế gia đình hiệu quả hơn. Đồng thời, HTX sẽ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác để việc trồng ớt đạt năng suất tốt hơn.
Thanh Loan