Vào đầu tháng 11 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng phối hợp huyện Đạ Tẻh đã tổ chức lớp tập huấn về “Kỹ thuật trồng dứa xen trong vườn điều năng suất thấp” cho các cán bộ khuyến nông, nông dân tại địa phương.
Chuyển giao kỹ thuật trồng trọt
Các cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm đến từ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã chia sẻ cho các học viên những kiến thức về trồng cây dứa xen trong vườn điều năng suất thấp, đặc biệt là về kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây dứa, cây điều; thu hoạch và bảo quản dứa, thiết kế lô trồng, mật độ, khoảng cách trồng xen thích hợp…
Nông dân huyện Đạ Tẻh thường xuyên được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng những loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao. |
Qua lớp tập huấn này đã giúp cho cán bộ khuyến nông và nông dân huyện Đạ Tẻh tiếp thu được kỹ thuật trồng xen phù hợp để tăng năng suất cây trồng tối đa trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tăng thêm thu nhập cho người trồng điều.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã định hình rõ nét các vùng sản xuất tập trung với các loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch nhanh theo hướng tăng diện tích các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, thị trường ổn định, giảm dần diện tích cây trồng có hiệu quả thấp.
Nổi bật là huyện Đạ Tẻh đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có quy mô lớn. Điều này đến từ việc huyện đã tổ chức được 22 lớp dạy nghề cho 735 lao động nông thôn trong 4 năm trở lại đây, trong đó có 15 lớp dạy nghề nông nghiệp. Ngoài ra, hàng năm huyện còn tổ chức từ 50 - 55 lớp tập huấn cho hơn 2.400 lượt người tham dự để chuyển giao kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi.
Những năm vừa qua, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện Đạ Tẻh phát triển khá mạnh, đặc biệt nhiều mô hình xen canh sầu riêng, bưởi da xanh đã mang lại giá trị cao cho nhiều hộ nông dân.
Tính đến nay, huyện đã phát triển trên 1.700 ha cây ăn trái các loại, trong đó chủ yếu là cây sầu riêng, bưởi da xanh, cam, quýt đường, tập trung ở các xã Mỹ Đức, Quốc Oai, Đạ Lây, Triệu Hải, Đạ Pal .
Trước sức phát triển mạnh của diện tích trồng cây ăn trái, huyện Đạ Tẻh chú trọng liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức các chương trình tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác, chọn giống, liên kết trong tiêu thụ nông sản cho người nông dân.
Song song đó, huyện còn thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX để tăng cường trao đổi kỹ thuật và hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ các loại cây ăn trái của địa phương.
Bền vững nghề trồng dâu, nuôi tằm
Riêng với nghề trồng dâu, nuôi tằm tại Đạ Tẻh được đánh giá là đang phát triển rất mạnh và đến năm 2020, diện tích dâu tằm trên địa bàn huyện đạt 1.660 ha, chiếm 11,5% diện tích đất nông nghiệp, tăng 1.010 ha so với năm 2017 và là huyện có vùng sản xuất dâu tằm lớn thứ hai của tỉnh Lâm Đồng.
Huyện Đạ Tẻh chú trọng hướng dẫn người dân ứng dụng các quy trình kỹ thuật mới trong quá trình chăm sóc vườn dâu và nuôi tằm. |
Trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có 3.054 hộ hộ dân với trên 7.000 lao động thường xuyên trồng dâu và nuôi tằm. Để phát triển vùng trồng dâu, nuôi tằm chất lượng cao theo mô hình liên kết dưới dạng tổ hợp tác, 8/11 xã, thị trấn trong huyện đã có vùng sản xuất tập trung dâu tằm diện tích từ 110 - 250 ha.
Toàn huyện Đạ Tẻh hiện có 8 HTX trồng dâu, nuôi tằm với 118 thành viên và 23 tổ hợp tác dâu tằm. Trong những năm qua, các thành viên tổ hợp tác, HTX trồng dâu nuôi tằm đã tham gia vào các lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm.
Nhờ đó, nhiều thành viên tổ hợp tác, HTX trong huyện đã ứng dụng được các quy trình kỹ thuật mới trong quá trình chăm sóc vườn dâu và nuôi tằm, áp dụng nhiều biện pháp, đầu tư dụng cụ để sản xuất kén chất lượng cao. Điều này giúp cho giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 190 triệu đồng/ha/năm.
Thời gian gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh và UBND các xã Quốc Oai, An Nhơn, Đạ Pal thực hiện dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển bền vững ngành dâu tằm tại huyện Đạ Tẻh.
Cụ thể, thông qua dự án này, hơn 300 hộ trồng dâu, nuôi tằm trong huyện được hướng dẫn quy trình trồng mới vườn dâu, cải tạo vườn dâu cũ; quy trình nuôi tằm con tập trung; quy trình nuôi tằm lớn; quy trình phòng sâu bệnh hại dâu; quy trình phòng bệnh hại tằm; quy trình lên né, phân loại, bảo quản kén tằm…
Thanh Loan