Mới đây, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã Tân Thành đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tân Châu tổ chức mở lớp kỹ thuật nuôi ba ba.
Ấn tượng xã Tân Thành
Tham gia lớp dạy nghề có trên 50 học viên, vừa học lý thuyết vừa thực hành. Các học viên được hướng dẫn kỹ thuật nuôi ba ba, như các bước chuẩn bị ao nuôi, khử trùng, chọn con giống, các yếu tố về môi trường sống của ba ba, cách phòng và trị một số bệnh thường gặp trên ba ba…
Các học viên lớp kỹ thuật nuôi ba ba ở xã Tân Thành tham quan một mô hình nuôi ba ba trong ao (Ảnh: TL) |
Theo thống kê của Hội Nông dân xã Tân Thành, toàn xã hiện có hơn 150 hộ nuôi ba ba. Qua lớp học nhằm giúp cho nông dân có thêm kiến thức cơ bản để nuôi ba ba, cải thiện kinh tế gia đình
Được biết, xã Tân Thành có địa hình giáp với đầu nguồn hồ Dầu Tiếng nên có rất nhiều hộ dân sống gần khu vực lòng hồ nuôi cá, nuôi ba ba. Và việc mở các lớp hướng dẫn, dạy kỹ thuật nuôi là rất cần thiết nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Một cán bộ ngành nông nghiệp cho biết, hiện toàn xã Tân Thành có trên 300 hộ nuôi cá nước ngọt và nuôi ba ba, nhưng nhiều nhất là nuôi cá lóc bông.
Đây là nghề phải tốn nhiều chi phí đầu tư từ con giống, ao nuôi và thức ăn hằng ngày, cũng như các yếu tố về môi trường sống. Vì vậy, người nuôi cần được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tốt hơn và rất cần sự hỗ trợ vốn từ các cấp để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Ngoài ra, UBND xã Tân Thành cũng vừa ra mắt Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản ấp Tà Dơ với 11 tổ viên, vốn điều lệ 4 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, số hộ nuôi thủy sản ở xã Tân Thành nói chung và ấp Tà Dơ nói riêng ngày càng phát triển với quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều nông dân.
Nhiều hộ đã cùng nhau thành lập nhóm hợp tác sản xuất, nuôi trồng thủy sản, kết quả bước đầu đem lại những lợi ích thiết thực, thể hiện được tính ưu việt của mô hình kinh tế hợp tác.
Đến nay, nhóm hợp tác chăn nuôi thủy sản ấp Tà Dơ đã nuôi hơn 40.000 con cá lóc bông, cá tra và hơn 10.000 con ba ba, giúp nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động.
Làm giàu với nghề nuôi ba ba ở Tân Hòa
Ngoài xã Tân Thành, nhờ chú trọng đào tạo nghề, phổ biến các mô hình mới hiệu quả cao nên nghề nuôi ba ba cũng đang phát triển khá tốt ở các xã khác ở huyện Tân Châu.
Điển hình như tại xã Tân Hòa. Cách đây 3 năm, Trung tâm khuyến nông tỉnh Tây Ninh đã triển khai mô hình nuôi ba ba gai trong ao, trong bể ở xã này. Với giá thị trường bình quân 600.000 đồng/kg, gấp đôi nuôi ba ba thường, đã mang lại thu nhập cao cho người dân.
Người dân xã Tân Hòa làm giàu với nghề nuôi ba ba gai (Ảnh: TL) |
Tận dụng nguồn thức ăn từ tiềm năng thủy sản dồi dào ở lòng hồ Dầu Tiếng, anh Trần Hoàng Phủ (24 tuổi, ngụ ấp Cây Khế, xã Tân Hòa) đã quyết tâm thay đổi cuộc sống gia đình bằng nghề nuôi ba ba sau khi tham dự lớp học kỹ thuật nuôi ba ba.
Hiện nay, anh Phủ đã đầu tư 3 hồ nuôi ba ba với hơn 1.000 con ba ba thịt và khoảng 2.000 con ba ba giống. Trừ tất cả các chi phí như thức ăn, công chăm sóc, con giống…, mỗi năm anh thu lãi từ 100 – 200 triệu đồng.
Ở xã Tân Hòa còn có HTX dịch vụ sản xuất thủy đặc sản Tân Hòa, đã khẳng định được ưu điểm của mô hình HTX kiểu mới trong phát triển nghề chăn nuôi. Các thành viên HTX tập trung nuôi khoảng 40.000 con ba ba thương phẩm.
Nhờ tham gia các lớp dạy kỹ thuật nuôi ba ba trong ao, nên các thành viên HTX đã bắt tay vào xây dựng một số ao nuôi với hệ thống các ao nhỏ để thuận tiện trong việc phân loại ba ba theo giới tính, độ tuổi và khu vực cho ba ba đẻ trứng.
Với việc áp dụng đúng kỹ thuật, chịu khó học hỏi kinh nghiệm cũng như phối kết hợp với các ngành chức năng, HTX Tân Hòa có thể gối 3 - 4 vụ/năm để thường xuyên có ba ba xuất bán. Sau 4 năm hoạt động, HTX đến nay có 47 thành viên. Doanh số hàng hóa từ nuôi ba ba khoảng 2,5 - 3 tỷ đồng.
Thanh Loan