Anh Bùi Nguyễn Phúc, 48 tuổi, ở ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, là người nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp ở tỉnh Long An.
Giúp nhiều hộ thoát nghèo
Đó là nhờ vào việc anh Phúc chịu khó học hỏi, tham gia các lớp tập huấn do chính quyền địa phương tổ chức về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp
Từ những kiến thức học được, anh Phúc áp dụng vào thực tế nên với diện tích đất 1,9ha. Anh vừa làm ruộng, vừa thành lập 3 trại nuôi trùn quế và chăn nuôi 12 con bò thịt vỗ béo, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mỗi năm, anh Phúc thu lãi gần 100 triệu đồng và tạo việc làm cho 11 lao động tại địa phương. Ngoài ra, anh còn chia sẻ với những nông dân trong xã còn khó khăn, nhất là giúp đỡ 9 hộ về nguồn giống trùn quế và kỹ thuật nuôi, tổ chức thử nghiệm dịch trùn quế trên cây màu và cây lúa cho 19 hộ trồng trọt đạt hiệu quả, giúp nhiều hộ thoát nghèo.
Ở một xã khác của huyện Thủ Thừa là xã Long Thạnh cũng đang có mô hình tạo việc làm tốt cho lao động địa phương, nhất là phụ nữ nông thôn. Đó là đan lát từ lục bình của chị Lê Thị Điền, ngụ ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa. Mô hình thực hiện từ năm 2017, đến nay có đến 30 thành viên tham gia.
Mô hình đan lát từ lục bình của chị Lê Thị Điền ở xã Long Thạnh. |
Các lao động tham gia mô hình chuyên làm các công đoạn thực hiện đan lát lục bình rất đơn giản, dễ làm và thực hiện theo mẫu của công ty Kim Hoa ở tỉnh Tiền Giang. Thông qua chị Lê Thị Điền, công ty đến giao mẫu, hướng dẫn cách làm và sau hai tuần đến nhận thành phẩm. Mỗi sản phẩm thực hiện có giá từ 50 đến 75 ngàn đồng.
Nhờ sự hướng dẫn tận tình của chị Lê Thị Điền, các chị em trong tổ tham gia đan lát ở địa phương có nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú như: Đan thùng với nhiều kích cỡ khác nhau, đan kệ, dệt chiếu, dệt thảm…
Một người chỉ cần vài giờ là có thể học thành thạo các thao tác và một tháng có thể kiếm được trên 2 triệu đồng từ nghề đan lục bình. Do nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương nên nguồn thu nhập ổn định.
Lan tỏa các mô hình tốt
Ở xã Long Thạnh còn có HTX Thủy sản Long Thạnh đang hoạt động khá hiệu quả, giúp người dân địa phương nâng cao kiến thức nghề nuôi trồng thuỷ sản vừa nâng cao thu nhập
HTX do anh Cao Phú Khánh làm giám đốc và cũng là người khởi xướng phong trào nuôi thủy sản theo hình thức liên kết, khép kín để tìm hướng đi mới.
Anh Khánh cho biết, trước đây, người dân ở đây chỉ trồng lúa, nuôi thủy sản theo kiểu tự phát, đầu ra chưa ổn định. Anh quyết tâm tìm cách làm khác để nâng cao đời sống của gia đình và anh em bạn trong xóm.
Đến nay, HTX Long Thạnh có 7 thành viên chính thức và hơn 80 thành viên liên kết nuôi thủy sản trên diện tích hơn 50ha ở Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Thạnh (Long An), Tây Ninh, Đồng Tháp, Tp.HCM.
HTX Long Thạnh quyết tâm tìm hướng đi mới cho nông dân địa phương. |
Đặc biệt, HTX đang được Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng nông sản hướng dẫn xây dựng chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo đó, từng công đoạn trong quá trình sản xuất, chế biến, phân phối, bảo quản, vận chuyển thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ được hướng dẫn thật kỹ. Từ đó, từng thành viên của HTX tuân thủ trong quá trình nuôi và thuận lợi trong cung cấp thực phẩm cho các đơn vị đầu mối.
Với cách thức chia sẻ kiến thức sản xuất nông nghiệp của anh Phúc hay mô hình đan lát, hướng dẫn cách làm của chị Điền hay HTX Thủy sản Long Thạnh, rất cần được nhân rộng ở Thủ Thừa nhằm tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Trong hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2019, huyện Thủ Thừa đã tổ chức 8 lớp dạy nghề nông thôn với 197 học viên ở các xã, thị trấn gồm 6 lớp nông nghiệp và 2 lớp phi nông nghiệp.
Thông qua các lớp đào tạo nghề này, các lao động nông thôn đã được trang bị thêm trình độ kiến thức, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt trên 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 58%.
Thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng huyện Thủ Thừa cần đẩy mạnh việc tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp với thực tế địa phương. Nhất là mở rộng độ tuổi tham gia học nghề.
Trong các lớp dạy nghề nông nghiệp, cần tăng thời gian thực hành trong quá trình học, tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và cần liên kết các doanh nghiệp để người lao động có việc làm sau học nghề…
Thanh Loan