Các doanh nghiệp ngày càng có chính sách chăm lo về lương, thưởng, nhằm tạo động lực để người lao động gắn bó với doanh nghiệp… Do đó, sau Tết Giáp Thìn tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc chiếm đến 90%. Cùng với đó, nhiều lao động thất nghiệp cũng quay trở lại tìm việc tại các Khu công nghiệp – Khu chế xuất.
Không còn lo thiếu lao động sau Tết
Sau Tết, chị Bùi Thị Trang (quê Hà Tĩnh) đã quay lại Hà Nội sớm để đi tìm việc. Mấy ngày qua, chị Trang đã đi quanh các Khu công nghiệp – Khu chế xuất Hà Nội với mong muốn tìm kiếm công việc phù hợp với tay nghề.
Chị Trang cho biết trước đây chị từng làm công nhân may giày da, sau thời gian sản xuất khó khăn chị xin nghỉ việc về quê làm nông nghiệp. Năm nay chị mong muốn tìm được công việc ổn định với thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng.
Các doanh nghiệp cho biết tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn tăng cao so với những năm trước.
“Sau khi tham khảo vài công ty đang có nhu cầu tuyển dụng, tôi đã “chấm” được một công ty may mặc tại khu công nghiệp Nam Thăng Long, đáp ứng nhu cầu của tôi”, chị Trang cho hay.
Tương tự, chị Nguyễn Hoài Liên (Thanh Hoá) cũng đã tìm được một công việc phù hợp tại công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử với mức lương khởi điểm 8 triệu đồng/tháng.
Các chuyên gia nhận định, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, người lao động đã quay trở lại làm việc với tinh thần phấn khởi, vui tươi. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm, hứa hẹn một năm mới với nhiều thành công mới.
Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang… dù có số lượng lao động quay trở lại làm việc chiếm tỷ lệ trên 90% nhưng vẫn tuyển thêm hàng trăm lao động nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp cho biết tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn tăng cao so với những năm trước. Đơn cử tại TP Hà Nội, theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố, các nhà máy đăng ký sản xuất trong ngày 16/2 đều có trên 90% công nhân đi làm.
Đến ngày 20/2 thì tất cả doanh nghiệp sẽ trở lại hoạt động bình thường với đầy đủ công nhân vào ca. Chẳng hạn, Tại Công ty cổ phần Halas Việt Nam (Hà Nội), hiện có trên 90% người lao động đã có mặt tại vị trí sản xuất trừ một số người lao động thuộc bộ phận giao nhận, vận chuyển đang làm việc phân tán.
Tương tự, tại Công ty TNHH ReGis (huyện Nho Quan, Ninh Bình) trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết, hơn 3.000 lao động đã quay trở lại làm việc. Số lao động chưa trở lại làm việc là do đang trong giai đoạn nghỉ chế độ thai sản, nghỉ phép, một số rất ít là chuyển việc. Hiện nay, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 500 lao động bổ sung vào lực lượng lao động tại chỗ và phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh trong năm nay.
Thị trường lao động khởi sắc
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung, nhận định 2024 là năm mà ngành LĐ-TB-XH tăng tốc, bứt phá. Bộ trưởng cho rằng tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, kinh tế tiếp tục còn đối mặt khó khăn, thách thức nhưng thị trường lao động Việt Nam đang có những tiến triển nhất định.
Các doanh nghiệp có những đơn hàng mới, mở rộng kinh doanh và nhiều dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng dần khởi sắc trở lại. Điển hình, triển vọng thị trường lao động quý I/2024 là 51,7 triệu người có việc làm, tăng 217.000 người so với quý trước.
Dự báo 3 ngành nghề có nhu cầu tăng việc làm là sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ tuyển dụng tăng như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương…
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, trong quý I/2024, TPHCM cần khoảng 77.500-86.000 chỗ làm việc. Trong đó, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 72,63%; công nghiệp - xây dựng chiếm 27,23%; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,14%.
Tại Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, năm 2024, thị trường lao động trên đà hồi phục dưới sự quan tâm với nhiều chính sách từ Chính phủ. Theo đó, quý I, có thể nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ vào khoảng 30.000-40.000 người và có thể lên đến 100.000 người. Đây là những tín hiệu cho thấy thị trường lao động khởi sắc. Các doanh nghiệp đang tích cực tham gia tuyển dụng.
Trong khi đó, tại "thủ phủ công nghiệp" phía Nam, Bình Dương đang cần khoảng 60.000 lao động cho năm 2024. Một số ngành nghề mà Bình Dương có nhu cầu tuyển dụng tương đối lớn là: công nghiệp chế biến thực phẩm; dệt may; da giày, sản xuất, sửa chữa lắp đặt móc máy, thiết bị công nghiệp điện điện tử; sản xuất sản phẩm từ gỗ, nhựa… với khoảng 48.500 lao động.
Báo cáo triển vọng thị trường lao động năm 2024 cho thấy, dù có những biến động trong thị trường tuyển dụng, nhưng 59,1% doanh nghiệp cho biết vẫn sẽ tuyển dụng thêm khoảng 25% nhân sự trong năm 2024. Theo các chuyên gia lao động, thị trường lao động Việt Nam từ đầu năm 2024 đã có sự tiến triển khi nhiều doanh nghiệp có đơn hàng mới, mở rộng kinh doanh và các dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động.
Thanh Hoa