Xã Đồng Trạch được xem là "vựa rau" của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hiện có hơn 700 hộ gia đình chuyên trồng rau thâm canh trên tổng diện tích hơn 50ha. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất còn mang tính tự phát, người nông dân vẫn giữ phương pháp sản xuất truyền thống.
Quyết tâm "đánh bạc" với ông Trời
Là con cả trong gia đình có 3 anh chị em, lên lớp 10, anh Dương Quốc Phong, thôn 2, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình phải nghỉ học để phụ giúp gia đình và lo cho hai người em ăn học. Hai năm lăn lộn đủ nghề kiếm tiền, anh xin gia đình đi học lại và sau đó thi đậu ngành kỹ sư nông nghiệp, Trường đại học Nông lâm Huế.
Đây là giai đoạn khó khăn nhất với gia đình anh bởi cả hai anh em cùng vào đại học trong một năm. Anh tâm sự, tiền ăn học mấy năm trời đều dựa vào ba mẹ gồng gánh, mà nguồn thu nhập chính chủ yếu dựa vào vườn rau. Mấy anh em học xong đại học cũng là nhờ mớ rau trong nhà... Ra trường, anh xin vào công tác tại Trường trung cấp kỹ thuật Công nông nghiệp Quảng Bình, sau đó, anh lập gia đình và định cư tại thị trấn Hoàn Lão.
Anh Dương Quốc Phong chăm sóc vườn rau sạch của HTX Dũng Na (Ảnh:TL) |
Qua tìm hiểu thực tế, anh Phong thấy nhiều mô hình làm nông nghiệp sạch phát huy hiệu quả và khẳng định được thương hiệu. Nhiều khi tự hỏi tại sao quê mình không ai làm được như vậy, trong khi điều kiện đất đai, thổ nhưỡng rất phù hợp với trồng rau, củ, quả và người dân vốn đã có kinh nghiệm từ lâu đời. Suy nghĩ đó cứ thôi thúc mãi trong anh.
Năm 2017, người dân thôn 2, xã Đồng Trạch ai cũng ngạc nhiên khi anh Phong về quê vận động một số hộ dân trong thôn thành lập HTX, thuê lại đất của xã để trồng rau. Ở vùng đất trũng này, nhiều nhà dựa vào trồng rau kiếm sống nhưng để bỏ cả đống tiền thuê đất trồng rau thì chưa thấy bao giờ.
"Khi đưa ý định bàn bạc với gia đình, tôi vấp phải sự phản đối kịch liệt từ vợ đến anh em, bạn bè, nội ngoại hai bên. Chính ba mẹ và những người họ hàng đang ở quê, mưu sinh bằng nghề trồng rau cũng cho rằng tôi bị "khùng", anh Phong nhớ lại.
Người ta bảo, đầu tư làm nông nghiệp chẳng khác gì đánh bạc với trời. Nhưng với lòng yêu nghề nông, lại được học hành bài bản, sau mấy tháng bàn với vợ, anh Phong quyết tâm dốc hết tiền bạc dành dụm mấy năm trời của hai vợ chồng rồi vay mượn thêm để quyết tâm "đánh bạc" với ông trời.
Thành công nhỏ, động lực lớn
Sau khi hoàn thành các thủ tục thành lập HTX rau sạch mang tên Dũng Na, trên cơ sở quy tụ một số hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ tại địa phương với các phương án sản xuất mang tính đồng bộ, anh bắt tay vào công việc. Tuy nhiên, để làm được rau sạch, phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả chi phí thử nghiệm các loại rau, củ, quả. Chính vì vậy, ngoài thời gian làm việc ở trường, phần lớn thời gian anh đều có mặt ở trang trại.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn và những kiến thức học được, anh miệt mài thực hiện mô hình rau sạch an toàn của mình. Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, vì phải tận dụng triệt để những kinh nghiệm có sẵn, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc. Riêng chuyện tranh luận với các thành viên trong HTX, những người vốn đã có kinh nghiệm truyền thống về các kỹ thuật, như: ủ phân, tưới nước, "trong đuổi, ngoài nhử" để tránh côn trùng...có khi cũng mất cả ngày trời.
Các sản phẩm rau sạch của HTX Dũng Na (Ảnh:TL) |
Sau quá trình thử nghiệm thành công, trang trại của anh Phong đã mở rộng diện tích trên 1ha trồng đủ các loại rau, củ, quả, áp dụng công nghệ ủ, bón phân hữu cơ, tưới nước tự động, nhà màn che chắn... Đầu năm 2019, các sản phẩm của HTX rau sạch Dũng Na đã được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn VietGap. Hiện các sản phẩm rau sạch của HTX Dũng Na đã được người dân biết đến. Từ đầu năm đến nay, HTX đã nhận đơn hàng đặt mua từ các nhà hàng, trường học khu vực thị trấn Hoàn Lão và các xã lân cận.
"Thành công bước đầu tạo động lực để tôi tiếp tục cố gắng nhưng để làm nông nghiệp sạch thì cần phải có thời gian và sự kiên trì. Sắp tới mục tiêu của HTX là tìm thị trường đầu ra và thuê thêm đất của chính quyền địa phương để mở rộng sản xuất", anh Phong chia sẻ.
Xã Đồng Trạch hiện có 700 hộ trồng rau, trung bình mỗi hộ thu về 80 triệu/năm. Tiêu biểu là HTX rau sạch Dũng Na, chúng tôi chọn đây là mô hình điểm để các hộ dân học hỏi kinh nghiệm. UBND xã cũng hỗ trợ về giống rau, tạo hành lang pháp lý xây dựng rau an toàn, vận động bà con tham gia, mở rộng mô hình trồng rau an toàn đảm bảo sức khỏe cho người dân”, ông Dương Văn Chiếc, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Trạch, cho biết.
Xuân Phú