Đưa giống mới vào sản xuất theo chuỗi
HTX Dịch vụ nông nghiệp An Xá, xã Lộc Thuỷ đang sản xuất theo chuỗi, bằng giống lúa mới PB 99 của Công ty Giống cây trồng Quảng Bình. Trên vùng đồng rộng hơn 5ha lúa đều tăm tắp đang chín rộ, thành viên HTX bắt đầu thu hoạch.
Ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc HTX và cũng là người thực hiện hiện mô hình cho biết, giống này ít sâu bệnh. Cây lúa thẳng cứng, đợt mưa gió vừa qua, lúa vẫn không gãy đổ. Qua kiểm tra sơ bộ tại đồng cho thấy bông lúa rất to và mẩy, dự kiến năng suất đạt khoảng 75 tạ/ha.
Bên đường trải nhựa rộng, chị Trần Thị Liên, xã Lộc Thủy đứng cạnh mấy đống lúa mới phơi một nắng đựng trong bao tải đợi ô tô đến chở đi. Gạt mồ hôi trên mặt, chị hồ hởi nói: “Chồng em lái xe nên cũng bận, mình em làm 1,5 ha, gặt về cũng được trên 12 tấn. Em kêu thương lái bán tại đầu bờ 10 tấn được 62 triệu đồng. Số tiền không lớn nhưng cũng chẳng nhỏ với nông dân. Vậy là vui lắm rồi”.
Được mùa, được giá, thành viên các HTX ở huyện Lệ Thuỷ hết sức phấn khởi (Ảnh:TL) |
Hiện, bà con các địa phương của huyện Lệ Thủy đang bước vào gặt rộ. Năng suất bình quân toàn huyện đạt khoảng 70 tạ/ha. Được mùa nên đâu đâu cũng thấy lúa. Bên đường, trên sân, trên bạt giữa ruộng khô… chỉ một màu vàng rực của hạt thóc mẩy.
Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy Dương Công Nhân cho biết, toàn xã cấy gần 600 ha. Chủ trương của xã là thay thế các bộ giống lúa khoa học kỹ thuật để tăng hiệu quả trên diện tích sản xuất. “Chúng tôi đã đưa gần chục giống lúa mới vào sản xuất và thực hiện các mô hình trồng lúa, chế biến gạo sạch theo chuỗi gắn với doanh nghiệp”, ông Nhân nói.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty Giống cây trồng Quảng Bình, đơn vị liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuy Lộc, huyện Lệ Thuỷ nhận định, năng suất thu hoạch vụ này đạt khoảng 66 tạ/ha. Bởi đây là giống lúa chất lượng cao nên năng suất không thể vượt trội, nhưng bù lại, chi phí sản xuất ít và giá thóc trên thị trường lại cao hơn các giống khác đến 10 giá, nên bà con nông dân có lãi nhiều hơn.
Thắng lợi kép cho cả hai bên
Vụ đông xuân 2019 - 2020, Công ty Giống cây trồng Quảng Bình liên kết thực hiện 50 ha sản xuất theo chuỗi giá trị với nông dân huyện Lệ Thủy. Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, trong mối liên kết này, công ty hỗ trợ ban đầu về giống, phân bón, kỹ thuật và kêu gọi, hợp đồng với các doanh nghiệp khác thu mua lúa cho cho bà con.
“Định hướng của chúng tôi là từ mô hình liên kết để mở rộng việc hỗ trợ bà con nông dân trong canh tác lúa theo lộ trình giảm dần sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, tăng sử dụng phân bón hữu cơ và tiến đến sản xuất bền vững không chỉ với lúa gạo mà còn cả những loại cây trồng khác”, ông Kỳ chia sẻ.
Huyện Lệ Thủy là địa phương có diện tích gieo cấy lúa lớn nhất của tỉnh Quảng Bình với trên 10.000 ha. Ngày từ đầu vụ, các doanh nghiệp đã ký kết với các HTX sản xuất lúa gạo theo chuỗi thông báo sẽ thu mua lúa cho bà con với giá 6,2 triệu đồng/tấn.
Năng suất lúa trung bình 7 tấn/ha, doanh thu 44 triệu đồng (Ảnh: TL) |
Niềm vui lớn được mùa, được giá của nông dân càng được nhân lên khi thời tiết nắng luôn mấy hôm như ngầm giúp bà con thu hoạch, phơi lúa. Ông Nguyễn Văn Sơn, một người sản xuất nhiều lúa với diện tích trên 10 ha cho hay, hiện nay chi phí làm lúa cứ như định sẵn. Trung bình mỗi ha tính tổng cộng từ khâu đầu đến khâu cuối hết 20 triệu đồng. Vụ này, năng suất lúa trung bình 7 tấn/ha, nhân với “giá 62” thu được 44 triệu đồng.
“Trừ chi phí rồi, bỏ túi được khoảng 23 - 25 triệu đồng/ha. Nhà tui có hơn 10 ha thì cứ nhân lên là biết lợi nhuận”, ông Sơn phấn khởi chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lệ Thủy đánh giá: “Việc liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân trong lựa chọn giống, cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định đã giúp người dân yên tâm sản xuất. Đây là tín hiệu tốt, thuận lợi để các địa phương đưa dần các giống lúa mới tiến bộ vào thay thế dần các giống lúa cũ, tạo chất lượng cao, thương hiệu tốt cho hạt gạo Lệ Thủy”.
Tâm Phùng