Khi thấy nghề đan lục bình xuất khẩu có triển vọng phát triển, lãnh đạo xã Tân Hưng (huyện Cái Bè) đã khuyến khích người lao động trong xã nên học nghề này để có nghề truyền dạy nhau và nâng cao thu nhập.
Giúp nhau truyền nghề
Từng trải qua lớp học nghề đan lục bình từ sự khuyến khích của chính quyền địa phương, chị Lê Thị Trinh đã truyền nghề lại cho nhiều lao động nữ. Tới khi tìm được đầu ra ổn định, chị mạnh dạn thành lập Tổ hợp tác đan lục bình xuất khẩu xã Tân Hưng.
Nhờ học nghề đan lục bình, nhiều lao động nữ ở Cái Bè thoát nghèo. |
Mô hình này không chỉ giúp gia đình chị Trinh thoát nghèo và vươn lên làm giàu, mà góp phần tạo việc làm cho trên 800 lao động, giúp họ có thu nhập ổn định.
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác, chị Trinh còn hỗ trợ chính quyền địa phương các chương trình đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nghèo thông qua nghề đan lục bình.
Điển hình như gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Tổ hợp tác đan lục bình xuất khẩu xã Tân Hưng tổ chức 2 lớp dạy miễn phí nghề đan lục bình cho 60 lao động nữ ở huyện Cái Bè.
Không những vậy, sau khi học xong, các học viên còn được Tổ hợp tác tạo việc làm ngay. Trong quá trình học, có nhiều chị em làm ra sản phẩm được Tổ hợp tác thu mua.
Từ nghề đan lục bình có thể thấy, để tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân địa phương giảm nghèo bền vững, một trong những giải pháp thiết thực của huyện Cái Bè chính là việc đẩy mạnh việc đào tạo nghề, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cho người lao động và nông dân.
Thời gian qua, huyện Cái Bè phối hợp với các đoàn thể của huyện như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… vừa tổ chức đào tạo vừa nhân rộng nhiều mô hình tổ hợp tác phát triển kinh tế hiệu quả nhằm tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Đơn cử như Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cái Bè đã thành lập 50 tổ hợp tác kinh tế với các ngành, nghề như: ươm cây giống, may túi xách, đan lục bình… tạo việc làm cho hơn 1.300 lao động.
Như nghề ươm cây giống ở Cái Bè được đánh giá là tốn ít chi phí đầu tư, kỹ thuật không quá phức tạp, giải quyết lao động nhàn rỗi, đồng thời tạo thêm thu nhập cho các gia đình khó khăn, giúp bà con vươn lên ổn định cuộc sống.
Hiệu quả của tổ hợp tác
Thời gian qua, huyện Cái Bè thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề, lớp tập huấn nhằm hướng dẫn các phương pháp nhân giống cây ăn quả, kỹ thuật thiết kế vườn ươm; thực hành trồng và chăm sóc cây gốc ghép, vườn cây lấy cành chiết, mắc ghép. Qua đó, đã giúp bà con nông dân nâng cao nhận thức, tiếp cận thông tin kỹ thuật về giống và sản xuất giống.
Các tổ hợp tác ươm cây giống giúp người dân Cái Bè nâng cao đời sống. |
Và để kịp thời hỗ trợ kỹ thuật, vốn sản xuất cho những hộ ươm cây giống, huyện Cái Bè còn xây dựng dự án đầu tư, thành lập tổ hợp tác sản xuất ươm cây giống.
Như ở xã Hậu Thành có Tổ hợp tác ươm cây giống ấp Hậu Hoa đang hoạt động khá hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Mười (ấp Hậu Hoa) cho rằng, nhờ có Tổ hợp tác mà bà có nghề ươm cây giống và có thêm việc làm vào những lúc nông nhàn, với thu nhập từ 150.000 - 250.000 đồng/ngày đã giúp gia đình bà có thêm khoản tiền trang trải chi phí sinh hoạt.
Theo ông Cao Văn Cọp, thành viên Tổ hợp tác ươm cây giống ấp Hậu Hoa, nhờ học hỏi nghề ươm cây giống đã giúp ông có được nguồn thu nhập ổn định từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Hoặc như ở xã Mỹ Lương, với nghề ươm cây giống đã giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Để kịp thời hỗ trợ kỹ thuật và vốn sản xuất cho những hộ ươm cây giống, xã đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất ươm cây giống ở ấp Lương Ngói, giúp cho nhiều lao động địa phương nâng cao đời sống.
Các giải pháp tạo sinh kế, việc làm cho người dân đã góp phần thực hiện hiệu quả chỉ tiêu về công tác giảm nghèo của huyện Cái Bè. So với trước đó 4 năm, tính đến tháng 3/2020, huyện Cái Bè đã giảm 1.632 hộ nghèo và chỉ còn 1.938 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,45%), đang tiến dần đến hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 2% vào cuối năm 2020.
Thanh Loan