Làng nuôi cá lồng bè ở khu vực quần đảo Nam Du (gồm 3 xã: An Sơn, Nam Du và Lại Sơn) thuộc huyện Kiên Hải còn được mệnh danh là "làng triệu phú trên biển” bởi người dân nuôi cá bống mú, cá bớp và nuôi thử nghiệm thành công một số loài cá mới giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm thu lợi hàng trăm triệu đồng cho các hộ nuôi.
Thu lợi cao nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi bài bản
Ông Nguyễn Văn Năm, xã Lại Sơn nuôi 8 lồng bè với các loài cá như bóng cọp, bóng mú và bóng sao cho biết, người có lồng bè sẵn, đầu tư con giống khoảng 30 triệu đồng, sau 18 tháng, trừ hết các chi phí còn lời trên 50 triệu đồng/bè (10 - 20 m2). Nếu nuôi đúng kỹ thuật, con giống tốt, bảo đảm vốn 1 - lời 1.
Làng nghề nuôi cá lồng bè ở quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải. |
Thời gian qua, các xã đảo An Sơn, Nam Du và Lại Sơn đã phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy nghề nông thôn về nuôi trồng thủy sản; tập huấn chuyên đề, tập huấn đầu vụ… cho các hộ nuôi. Ngoài ra, chính quyền các xã thường xuyên thông tin về thời tiết, dịch bệnh cho người dân để có hướng chủ động ứng phó trong những tháng giao mùa.
Nhờ nâng cao được kiến thức nghề nuôi thuỷ sản nên các hộ nuôi đã chủ động trong sản xuất và đầu ra, có quy trình kỹ thuật nuôi bài bản, vừa mang lại lợi nhuận cao vừa giải quyết được nhiều việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động và tái đầu tư năm sau cao hơn năm trước.
Ở xã đảo Lại Sơn hiện nay có trên 100 hộ nuôi cá, với hơn 700 lồng bè, sản lượng ước đạt hơn 1.000 tấn/năm, nhiều nhất là cá mú, cá bớp…
Lại Sơn được xem là xã có mật độ nuôi cá lồng bè nhiều nhất tỉnh Kiên Giang. Nhờ chính quyền địa phương làm tốt công tác tập huấn giúp cho người dân chăm sóc, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, nên vùng biển ở xã này không bị ô nhiễm, đàn cá phát triển mạnh.
Lãnh đạo UBND xã Lại Sơn bày tỏ mong muốn sẽ có thêm các cán bộ khuyến nông thường xuyên xuống địa phương hướng dẫn thành viên HTX, bà con nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi cá sạch, mang lại hiệu quả và nguồn thu nhập cao.
Ở xã đảo Lại Sơn hiện HTX Tiến Đạt với 10 thành viên đang kết hợp giữa nuôi cá lồng bè và phát triển dịch vụ du lịch. Một số thành viên HTX cho biết họ mong muốn có thêm những đợt tập huấn để có kiến thức nâng cao năng suất nuôi, vừa xây dựng được HTX du lịch làng bè vững mạnh.
Việc phát triển các HTX nuôi cá lồng bè ngày càng được huyện Kiên Hải chú trọng. Hồi tháng 5/2019, tại xã An Sơn đã ra mắt HTX Nuôi cá lồng bè Thành Đạt với 14 thành viên do Hội Nông dân và Phòng Nông nghiệp huyện vận động thành lập.
Hiệu quả nhờ tập huấn
Việc thành lập HTX Thành Đạt đã giúp nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản của các thành viên, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, giảm bớt rủi ro trong sản xuất, cải thiện thu nhập cho thành viên theo hướng lâu dài.
Áp dụng kỹ thuật nuôi bài bản sau khi được tập huấn giúp mang lại thu nhập cao cho các hộ nuôi cá lồng bè ở Kiên Hải. |
Nghề nuôi cá lồng bè ven đảo trên địa bàn huyện Kiên Hải nhiều năm nay được ghi nhận là phát triển mạnh về năng suất, sản lượng. Đến cuối năm 2019, toàn huyện có 229 hộ nuôi với 1.142 lồng bè, thể tích khoảng 55.680m3, sản lượng nuôi đạt 1.025 tấn cá thương phẩm các loại, giá trị sản xuất đạt 218 tỷ đồng.
Nhiều hộ ngư dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi cá lồng bè trên biển. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng bè vẫn còn mang tính tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người dân.
Do đó, để mô hình nuôi cá lồng bè trên biển ở Kiên Hải theo chuỗi giá trị và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì rất cần đẩy mạnh việc đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn nhằm tổ chức lại nghề nuôi biển theo hướng liên kết chuỗi sản xuất từ khâu cung ứng con giống, nuôi thương phẩm, áp dụng công nghệ mới vào nghề nuôi biển, để từ đó có thể nuôi xa bờ và lồng nuôi chịu được sóng to, gió lớn.
Kết quả nghiên cứu từ một trường đại học về nghề nuôi cá lồng bè ở Kiên Hải cho thấy, hộ nông dân có tập huấn áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi cá đạt hiệu quả cao hơn hộ nông dân không tham gia tập huấn, trên cả 2 khía cạnh kỹ thuật và kinh tế.
Xét hiệu quả về mặt kỹ thuật, hộ nông dân có tập huấn áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi cá góp phần tác động đến các yếu tố như giảm lượng thức ăn, giảm lượng thuốc trị bệnh, giảm tỷ lệ hao hụt và tăng sản lượng cá thương phẩm so với hộ không tham gia tập huấn.
Còn về hiệu quả kinh tế, hộ nông dân có tập huấn áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi cá tiết kiệm được chi phí nhưng lợi nhuận đạt được lại cao hơn hộ không tham gia tập huấn.
Thanh Loan