Trước đây, từ việc trồng nấm rơm ngoài trời, anh Dương Văn Tài ở ấp Hòa Lợi 2, xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, đã chuyển qua mô hình trồng nấm rơm trong nhà bằng dạng kệ, có tính kinh tế và hiệu quả cao hơn gấp đôi.
Đẩy mạnh khuyến nông, dạy kỹ thuật trồng nấm
Tuy nhiên, qua nhiều vụ trồng nấm, anh Tài thấy rằng trồng nấm rơm trong nhà bằng dạng kệ có nhiều điểm chưa phù hợp. Gần đây, sau khi tham gia một lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm do huyện tổ chức, được hướng dẫn kỹ thuật cặn kẽ từ trạm khuyến nông, anh Tài đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng nấm rơm trong nhà với diện tích 105m2.
Trồng nấm trong nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở An Giang. |
Hiện nay, anh Tài đang sở hữu 3 nhà trồng nấm với diện tích 450m2, trên 300 trụ. Với giá bán khoảng từ 60.000 đồng/kg. Thấy cách làm của anh Tài mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân đã đến học tập kinh nghiệm và được anh nhiệt tình hướng dẫn.
Hiện nay, mô hình trồng nấm rơm trong nhà theo dạng trụ đã được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trong xã Vĩnh Lợi. Nhất là với việc thành lập Tổ hợp tác trồng nấm Hòa Lợi đã giúp nông dân trong xã có nơi chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác trong quá trình sản xuất và hỗ trợ nguồn vốn.
Bên cạnh hai ngành hàng chủ lực là lúa và cá, thì ngành trồng nấm được xem là một trong những ngành hàng nằm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh An Giang. Chính vì vậy, hoạt động khuyến nông, đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm đang được tỉnh này đẩy mạnh.
Như gần đây, Hội Nông dân xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã hoàn thành lớp kỹ thuật trồng nấm rơm và nấm bào ngư bằng nguyên liệu lục bình cho các lao động địa phương. Các học viên được hướng dẫn cách xử lý nguyên liệu, cấy ghép, cách chăm sóc, cũng như việc sơ chế, bảo quản sau thu hoạch.
Việc mở lớp trồng nấm bằng nguyên liệu lục bình không chỉ tạo được việc làm cho người dân xã An Nông mà còn tận dụng nguồn lục bình sẵn có để xử lý tốt vấn đề ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước.
Qua đánh giá ban đầu, việc trồng thử nghiệm nấm rơm và nấm bào ngư bằng nguyên liệu lục bình đã đem lại kết quả khả quan khi cho ra nấm to và số lượng nhiều, thời gian thu hoạch chỉ khoảng 2 tháng.
Qua nhiều hoạt động khuyến nông, tập huấn, đào tạo nghề trồng nấm được triển khai đã góp phần đáng kể trong việc phát triển ngành hàng nấm ăn của tỉnh An Giang.
Tạo việc làm cho nhiều lao động
Tính đến năm 2019 cả tỉnh có khoảng 120 nhà trại trồng nấm bào ngư với quy mô từ 1.000 – 20.000 bịch phôi nấm cho 1 nhà trại (tùy diện tích nhà trại), phát triển nhiều ở các huyện Châu Thành, Phú Tân, TP. Long Xuyên, Tân Châu,…tập trung chủ yếu 2 loại nấm bào ngư: Xám và Nhật.
Đẩy mạnh khuyến nông, dạy kỹ thuật trồng nấm đã giúp người lao động ở An Giang thoát nghèo. |
Đối với nấm rơm, trước đây nông dân trong tỉnh vẫn chủ yếu trồng trồng nấm rơm ngoài trời theo mùa vụ - sau thời gian thu hoạch lúa. Từ khi mở ra các lớp tập huấn đã giúp nông dân triển khai được kỹ thuật ứng dụng theo hướng công nghệ cao.
Theo đó, nấm rơm được nông dân trồng trong nhà điều khiển nhiệt độ, ẩm độ, ứng dụng các thiết bị tưới phun sương tự động, cách ủ rơm đảm bảo kỹ thuật đã giúp năng suất nấm đạt 1,0 - 1,4 kg/mét mô, tăng 30 - 40% năng suất so với các điểm trồng ngoài trời. Với mỗi nhà trồng có diện tích 60m2 trong thời gian khoảng 35-45 ngày thì nông dân có thể thu 2,5-3,0 triệu đồng.
Trước sự nở rộ của nghề trồng nấm thì tỉnh An Giang đang chú trọng đến việc thành lập, phát triển các tổ liên kết, tổ hợp tác, HTX sản xuất nấm ăn để giúp cho việc liên kết sản xuất - tiêu thụ được tốt hơn. Nhất là thông qua các mô hình kinh tế hợp tác sẽ giúp cho việc đào tạo kỹ thuật trồng nấm nhằm giúp các thành viên ứng dụng vào thực tế được tốt hơn nữa.
Nhất là tỉnh An Giang còn xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp nhằm mở ra hướng phát triển một nghề mới cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo ở An Giang.
Trong 10 năm tới, tỉnh An Giang cũng đặt mục tiêu sẽ hình thành và phát triển các dịch vụ cung cấp phôi giống, phụ liệu trồng nấm để hỗ trợ nghề trồng nấm rơm. Tại mỗi huyện, tỉnh sẽ hình thành cơ sở cung cấp phôi giống kết hợp thu mua sản phẩm. Thông qua đó, sẽ tạo việc làm cho 30.000 lao động thường xuyên và 80.000 lao động thời vụ.
Thanh Loan