Ông Nguyễn Văn Rõ ở ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, có 2ha trồng các loại cây ăn trái như măng cụt, đu đủ, chuối…Trước đây, khi chưa tham gia lớp dạy nghề trồng trọt, để tưới nước cho vườn cây, ông Rõ phải mất 2 ngày, kéo ống và motor đi bơm từng liếp.
Nông dân mạnh dạn sản xuất sau học nghề
Tuy nhiên, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề trồng cây ăn trái ở địa phương, được Trạm khuyến nông triển trai mô hình hệ thống tưới tiết kiệm nước, tưới phân trên cây trồng hướng đến công nghệ 4.0, ông đã mạnh dạn lắp đặt hệ thống tưới cho hơn 1 ha vườn cây ăn trái.
Ông Rõ cho biết, trước đây với diện tích này, gia đình phải mất tới 2 ngày để tưới giáp vườn. Nhưng nay với hệ thống tưới nước phun sương tự động thì chỉ cần 30 phút là đã hoàn thành. Qua đó không chỉ giúp cho ông có thời gian để làm những công việc khác mà còn tiết kiệm được 3/4 chi phí sản xuất cũng như nước tưới, nhất là trong mùa nắng nóng khô hạn.
Thị xã Long Mỹ chú trọng đào tạo nghề nông gắn với vùng nguyên liệu. |
Hoặc như mô hình trồng nấm rơm trong nhà theo hướng 4.0 được hướng dẫn qua các lớp tập huấn cho nông dân trong thị xã Long Mỹ cũng đang mang lại hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Lâm tại ấp Long Hòa 1, xã Long Phú, cho biết sau khi tham gia lớp tập huấn đã áp dụng mô hình này được 4 vụ. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đã giúp cho việc trồng nấm rơm của ông Lâm dễ dàng hơn, năng suất cao hơn so với trước đây.
Có thể thấy, với việc chú trọng đào tạo, tập huấn các nghề nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu đã mang lại hiệu quả canh tác cho nông dân thị xã Long Mỹ.
Đặc biệt là có nhiều loại mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật như mô hình nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót, mô hình nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa, mô hình trồng rau trong nhà lưới, mô hình trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu…giúp người nông dân Long Mỹ tăng lợi nhuận, giảm chi phí và góp phần vào việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, xanh, sạch.
Các mô hình dạy nghề điển hình có tỷ lệ tạo việc làm cao đã và đang được duy trì có hiệu quả ở Long Mỹ như: Trồng nấm rơm trong nhà, nuôi lươn, nuôi gà theo hướng an toàn thực phẩm. Sau khi học nghề, nhiều hộ sản xuất nông nghiệp mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất, thành lập tổ hợp tác, HTX. Sản phẩm sau khi thu hoạch của họ có chất lượng tốt, sản lượng thu hoạch cao, lao động tham gia sản xuất có thu nhập ổn định.
Hơn 80% có việc làm sau đào tạo nghề
Ngoài ra, việc đào tạo các nghề phi nông nghiệp cũng được thị xã Long Mỹ chú trọng. Trong 7 tháng đầu năm 2020, thị xã đã tổ chức khai giảng 4 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 100 lao động nông thôn, gồm: đan đát, kỹ thuật xây dựng và may công nghiệp.
Từ đây đến cuối năm, thị xã Long Mỹ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tỉnh và trường dạy nghề mở thêm 4 lớp đào tạo nghề cho 100 lao động. Thị xã chú trọng việc dạy nghề theo địa chỉ, chủ động ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Học nghề nông nghiệp giúp nông dân thị xã Long Mỹ canh tác tốt. |
Xã tiếp tục xây dựng các mô hình đào tạo nghề phù hợp với định hướng phát triển, đặc biệt là những ngành nghề có thế mạnh, ngành nghề ưu tiên phát triển của địa phương, ngành nghề gắn với vùng nguyên liệu của địa phương để sau khi học nghề, lao động nông thôn có thể áp dụng hiệu quả vào phát triển sản xuất, tạo việc làm.
Theo đánh giá, sau khi được đào tạo nghề, các lao động ở thị xã Long Mỹ có được việc làm chiếm hơn 80%. Trong đó, các nghề phi nông nghiệp được giải quyết việc làm tại chỗ sau khi được đào tạo nhiều nhất là đan đát lục bình và các nghề may, kỹ thuật xây dựng đều được giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại, toàn thị xã có 23 HTX, trong đó có 19 HTX nông nghiệp và 4 HTX phi nông nghiệp. Số HTX được đánh giá hoạt động đạt loại khá chiếm 70%, khá giỏi chiếm 30%. Thời gian qua, hoạt động của các HTX mang lại hiệu quả cao, có tác động tích cực đến đời sống, kinh tế của thành viên tham gia, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Thanh Loan