Vài năm trước, chị Thạch Thị Tư, người dân tộc Khmer ngụ ở xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị cùng hàng chục lao động nữ trong xã đã theo học lớp kết hạt cườm do Trung tâm Dạy nghề huyện Thạnh Trị mở.
Thoát nghèo nhờ học nghề
Khi Trung tâm nhiệt tình chỉ dạy nên chị Tư nhanh chóng thạo việc. Trung tâm này còn ký hợp đồng với HTX kết hạt cườm Đại Phát ở tỉnh Hậu Giang, ngay sau khi học xong lớp kết hạt cườm thì các lao động nữ sẽ phối hợp với HTX sản xuất, bán sản phẩm.
Nhờ học nghề chăn nuôi bò thịt đã giúp người Khmer ở Thạnh Trị thoát nghèo. |
“Cách đào tạo gắn với giới thiệu việc làm rất hay, vừa giải quyết được nhu cầu lao động đối với các công ty, HTX, Tổ hợp tác vừa giúp các chị em có việc làm ổn định. Tránh tình trạng học xong không tìm được việc” – bà Trần Thị Lệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tuân Tức nói về lớp kết hạt cườm.
Cũng ở xã Tuân Tức có anh Thạch Thời là người dân tộc Khmer ở ấp Trung Thành nhờ tham gia vào lớp học dạy kỹ thuật chăn nuôi, nhất là được hướng dẫn các kiến thức về chăn nuôi bò thịt, trồng cỏ nuôi bò…mà nay gia đình anh thoát nghèo, xây dựng được nhà mới, cuộc sống cũng ấm no hơn.
Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Thạnh Trị, chăn nuôi bò thịt được xem là mô hình chủ lực giúp phát triển kinh tế hộ, góp phần giảm nghèo bền vững cho các hộ khó khăn, ít đất sản xuất, đặc biệt là các vùng có đông bà con Khmer.
Theo thống kê, toàn huyện Thạnh Trị hiện có gần 10.000 con bò. Thực hiện theo dự án phát triển đàn bò thịt của tỉnh Sóc Trăng, năm 2020 Thạnh Trị phấn đấu tăng thêm trên 10.000 con. Do đó, việc duy trì và mở rộng mô hình chăn nuôi bò được các cấp, ngành huyện quan tâm, chú trọng thực hiện.
Minh chứng rõ nét nhất chính là hiện toàn huyện Thạnh Trị có hơn 90 mô hình liên kết sản xuất, trong đó có hơn 50% mô hình đang hoạt động hiệu quả theo hướng Tổ hợp tác, HTX và mô hình chăn nuôi bò đang chiếm phần lớn, góp phần đáng kể trong Đề án này.
Trong quá trình chăn nuôi, cũng như anh Thạch Thời, nhiều lao động nông thôn và người dân tộc Khmer được chính địa phương chú trọng hỗ trợ về kỹ thuật, mở các lớp dạy chăn nuôi.
Nhất là huyện khuyến khích người dân chuyển đất trồng lúa, trồng rẫy kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò và tận dụng các phế phẩm nông nghiệp cho bò ăn nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nên nhiều hộ thoát nghèo, có cuộc sống ấm no.
Ngày càng nâng cao thu nhập
Ở huyện Thạnh Trị có xã Lâm Kiết trước đây được xem là xã nghèo có đông đồng bào Khmer sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 35%. Thế nhưng, sau nhiều năm được chính quyền huyện đẩy mạnh việc đào tạo nghề thì đời sống của đồng bào Khmer không ngừng cải thiện.
Sau học nghề nông nghiệp, người dân huyện Thạnh Trị đã có “đất dụng võ” để nâng cao thu nhập cho gia đình. |
Hàng năm xã Lâm Kiết kết hợp Trạm Khuyến nông huyện mở hàng chục lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho người dân địa phương. Xã còn kết hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Thạnh Trị đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hàng trăm lao động dân tộc Khmer làm việc ở trong, ngoài tỉnh.
Đa số bà con dân tộc thiểu số ở huyện Thạnh Trị là người Khmer, cuộc sống trước kia vốn có nhiều khó khăn. Vì vậy, chính quyền huyện vừa chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp lẫn nghề phi nông nghiệp (như may dân dụng, may công nghiệp, đan đát, chăm sóc hoa kiểng, chăn nuôi thú y…) cho bà con. Nhờ có nghề, bà con Khmer đã có “đất dụng võ” để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Hiện nay, trên 38% hộ sản xuất nông nghiệp ở Thạnh Trị tham gia các loại hình kinh tế hợp tác với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Và việc tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp để áp dụng vào thực tế sản xuất đã giúp nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến nay chỉ còn khoảng 6,69% theo tiêu chí mới.
Trong 5 năm trở lại đây, huyện Thạnh Trị đã đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 15.054 lao động, đạt 103,46% kế hoạch đề ra, trong đó, đã giải quyết việc làm được 15.216 lao động (đạt 101,44%) và xuất khẩu lao động được 224 lao động (đạt 149,33%).
Thông qua các lớp đào tạo nghề, huyện đã gắn với giải quyết việc làm với nhiều hình thức như kết hợp tư vấn, giới thiệu việc làm và hướng nghiệp người lao động sau học nghề tìm việc làm hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Trong thời gian tới, Thạnh Trị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết cơ bản việc làm cho người lao động, nhằm đảm bảo nguồn thu nhập giúp nhân dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Thanh Loan