Trước việc năng suất lúa ngày càng thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do đất đai nhiễm phèn, thường xuyên bị xâm nhập mặn vào mùa khô, nên nhiều năm nay cánh đồng trồng lúa ở xã Đức Mỹ, huyện Càng Long đã chuyển sang trồng cây lác với tốc độ phát triển rất nhanh.
Hiệu quả chuyển đổi trồng cây lác ở Đức Mỹ
Tính đến năm 2019 diện tích canh tác cây lác ở cánh đồng Đức Mỹ đạt 630 ha với sự tham gia của hơn 1.200 hộ dân địa phương, thuộc dạng lớn nhất tỉnh Trà Vinh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyển đổi sang trồng cây lác thích ứng biến đổi khí hậu giúp mang lại thu nhập tốt cho nông dân xã Đức Mỹ, huyện Càng Long. |
Người dân canh tác từ 2,5 – 3 vụ lác/năm, với giá lác hiện tại 12.000 – 15.000đ/kg, nông dân ở Đức Mỹ thu lãi 140 – 160 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, góp phần tăng thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 4.500 lao động.
Ngoài ra, người dân trong xã còn được đào tạo nghề để mở cơ sở dệt chiếu, dệt thảm nhằm tạo thêm việc làm cho lao động nông nhàn và phát triển làng nghề. Cây lác Đức Mỹ không chỉ phục vụ nghề dệt chiếu ở địa phương mà còn cung cấp nguyên liệu cho khắp các tỉnh ĐBSCL, thậm chí đưa ra tận miền Trung, miền Bắc phục vụ cho các cơ sở dệt chiếu và dệt thảm xuất khẩu.
Cùng với sự năng động của người dân, các ngành chức năng và chính quyền xã Đức Mỹ đã thành lập HTX chiếu Đức Phát với hơn 60 hộ tham gia.
Ông Trần Hậu Giang, Giám đốc HTX, cho biết: HTX chiếu Đức Phát ra đời cũng nhằm quy tụ người dân vào làm ăn lớn, nâng cao tay nghề dệt chiếu. HTX cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con, sau đó tổ chức bao tiêu, thu mua lác để người dân không phải mất chi phí vì phải bán qua trung gian như những năm trước.
Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cho cây lác Đức Mỹ cũng đang được đẩy mạnh. Đây cũng là cách nhằm đưa cây lác Đức Mỹ vươn xa hơn, khẳng định thế mạnh và hiệu quả kinh tế trong việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi thích ứng với hạn mặn.
Tính đến nay, cùng với xã Đức Mỹ, tổng diện tích trồng cây lác ở huyện Càng Long đã đạt 2.100ha, là huyện có diện tích trồng lác lớn nhất tỉnh Trà Vinh.
Ngoài mô hình chuyển đổi sang trồng cây lác, để tạo sinh kế cho người dân huyện Càng Long thích ứng biến đổi khí hậu, Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Dự án AMD) trên địa bàn huyện Càng Long (được khởi động từ năm 2014 và kết thúc vào tháng 9/2020) đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt.
Dạy nghề và tạo việc làm từ Dự án AMD
Dự án AMD được triển khai trên địa bàn huyện Càng Long ở 3 xã Huyền Hội, Bình Phú và Phương Thạnh trên tổng diện tích 8.258 ha với số dân được hưởng lợi là 10.266 hộ; tổng vốn đầu tư được hỗ trợ là hơn 65,5 tỷ đồng.
Nhiều nông dân ở huyện Càng Long được đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt thích ứng biến đổi khí hậu từ Dự án AMD. |
Đặc biệt là Dự án đã hỗ trợ đào tạo những nghề mới nhằm thực hiện tái cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp chuyển đổi cây trồng vật nuôi trong điều kiện khí hậu biến đổi, tạo thêm việc làm cho người nông dân ở nông thôn.
Theo đó, Dự án đã mở lớp đào tạo nghề cho người dân huyện Càng Long với 43 lớp dạy nghề đã mở, bao gồm dạy nghề trồng cây có múi; đào tạo nghề chăn nuôi; xây dựng cơ bản; xe chỉ xơ dừa; xe chỉ lát…
Dự án còn kết hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện tập huấn 93 lớp kỹ thuật cho người dân có nhu cầu. Tổng cộng, các lớp dạy nghề, tập huấn đã thu hút 2.156 người tham dự.
Ông Ưng Hồng Hải, Trưởng Ban chỉ đạo dự án AMD huyện Càng Long, cho biết đa số các hoạt động có hiệu quả như áp dụng kiến thức sau đào tạo, năng suất cây trồng, vật nuôi cao hơn khi chưa có Dự án.
Hầu hết các nhóm hưởng lợi được hỗ trợ thực hiện mô hình nông nghiệp có kết quả khá tốt. Các tổ nhóm tín dụng, tổ nhóm sản xuất kinh doanh được hình thành và đi vào hoạt động đạt hiệu quả bước đầu.
Đặc biệt là các hộ nghèo, hộ phụ nữ được ưu tiên tham gia hưởng lợi đạt và vượt kế hoạch đề ra; tỷ lệ 80% người có việc làm sau đào tạo. Thông qua Dự án này, các Tổ hợp tác, HTX được dự án đầu tư có lợi nhuận khá, đã làm tăng thu nhập cho các thành viên, đã tác động mạnh mẽ đến mức độ giảm nghèo ở địa phương.
Thanh Loan