Sáng 12/10, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo về tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2021. Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chia sẻ khi thống kê số liệu tác động của dịch COVID-19 tới thị trường lao động thì những người làm thống kê thực sự rất lo lắng về sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 thể hiện ở con số trên thị trường lao động.
Hơn 1,3 triệu người thất nghiệp
Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, trong quý III và 9 tháng năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ tư tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho tình hình lao động việc làm quý III/2021 tồi tệ hơn.
Tổng cục Thống kê họp báo về tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng 2021. |
Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
"Dịch COVID-19 đã khiến thị trường lao động xuất hiện hàng loạt kỷ lục tiêu cực được xác lập, hàng triệu lao động mất việc làm", ông Nam cho hay.
Theo ông Nam, dịch COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý III/2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III/2021 là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý trước và tăng 449,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
"Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ tư và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp trong quý III năm 2021 vượt xa con số 2% như thường thấy", ông Nam cho biết.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 50,4 triệu người, giảm 250 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng năm 2021 là 49,0 triệu người, giảm 388,2 nghìn người. Thiếu việc làm trong độ tuổi 9 tháng năm 2021 là hơn 1,3 triệu người, tăng 187,2 nghìn người.
Tính chung 9 tháng năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,9 triệu đồng, gần như tương đương so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 34.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019.
17,8% doanh nghiệp thiếu lao động
Đáng chú ý, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong 9 tháng năm 2021 là hơn 1,3 triệu người, tăng 126,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,99%, tăng 0,35 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) là 7,90%, tăng 0,13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,79%, tăng 0,26 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ người lao động mất việc làm tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song khi dịch bệnh dần được kiểm soát thì doanh nghiệp lại đối mặt với "bài toán" thiếu lao động. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Dân số và Lao động cho hay, theo khảo sát 22.000 doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, hiện có 17,8% doanh nghiệp cho biết thiếu hụt lao động, trong đó vùng Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ cao với 30,6%. Về các ngành kinh tế, điện tử và máy vi tính thiếu hụt lao động 55,6%, sản xuất trang phục thiếu 49,2%, ngành dệt thiếu 39,5%...
Về số lượng lao động về quê, bà Mai cho biết, báo cáo nhanh của Tổng cục Thống kê cho thấy, 1,3 triệu người lao động trở về quê. Trong số người lao động từ 15 tuổi trở lên, có 34% là người đang làm việc, 38% thất nghiệp, số còn lại là người không có nhu cầu làm việc...
Nói thêm về người lao động trở về quê, ông Nguyễn Huy Minh, Phó Vụ trưởng Dân số và Lao động, cho biết do chủ yếu đảm nhận công việc phi chính thức nên khi TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam nới lỏng giãn cách, người lao động có tâm lý muốn về quê. Mặt khác, họ cũng không biết bao giờ dịch bệnh chấm dứt, trong khi tiềm lực tài chính của họ cạn kiệt không thể lo chi phí sinh hoạt của cả gia đình.
Về câu hỏi thiếu hụt lao động, ông Minh cho biết tới đây sẽ có cuộc tái cơ cấu lại nguồn lao động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ bắt đầu vào làn sóng tuyển dụng mới.
Đáng chú ý, giải thích thêm về con số thống kê đến nay đã có 1,3 triệu lao động về quê, ông Phạm Hoài Nam cho biết con số này mới là con số ước chừng của Tổng cục Thống kê. Tới đây, Tổng cục sẽ tiếp tục tính toán lại. Đồng thời, cũng cần có chính sách, giải pháp thu hút ngược lao động trở lại các khu công nghiệp, thành phố lớn. Hiện nay, người lao động đang có tâm lý lo sợ, lưỡng lự do chính sách phòng chống dịch ở các địa phương khác nhau.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - ông Nguyễn Trung Tiến, người lao động về quê chủ yếu là lao động phi chính thức, đồng thời các địa phương cũng có chính sách đón người lao động tốt nên họ muốn về quê để giải quyết khó khăn trước mắt.
Ông Tiến cũng phân tích: vấn đề thiếu lao động trong thời gian tới là không đáng lo. Nếu doanh nghiệp, Nhà nước có chính sách tốt thì người lao động sẽ trở lại.
Thy Lê