Với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở “tâm dịch” Tp.HCM (hiện đạt tỷ lệ 78,9% người trên 18 tuổi đã được tiêm vắc xin mũi 1), giới phân tích cho rằng việc tiến tới miễn dịch cộng đồng sẽ cho phép các doanh nghiệp (DN) tại thành phố có lộ trình tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch lần này.
Chờ bao phủ vắc xin, lo thách thức trước mắt
Nhất là khi đợt dịch thứ 4 đã khiến trên 70% DN ở Tp.HCM bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo Hiệp hội DN Tp.HCM, nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động, đa số DN khác đều giảm từ 50% - 90% doanh thu so với thời điểm trước dịch bệnh.
Lộ trình phục hồi sản xuất hậu Covid-19 đợt 4 đòi hỏi cần đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin và các DN nỗ lực vượt qua các thách thức trước mắt. |
Trong giai đoạn triển khai tiêm chủng vắc xin như hiện nay, Ts. Daniel Borer, Khoa Kinh doanh và Quản trị của Đại học RMIT đánh giá, một thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là khôi phục kinh tế dần dần nhưng vẫn đảm bảo an toàn khi số người được tiêm chủng ngày càng tăng.
Theo Ts. Borer, với những DN có nhân viên được tiêm chủng đầy đủ thì có thể trở lại hoạt động bình thường. Việc quản lý vi mô ở cấp độ DN sẽ cho phép tăng tái thiết hoạt động của các công ty và phục hồi kinh tế, đồng thời vẫn hạn chế ở những lĩnh vực có số lượng nhân viên được tiêm chủng ít hơn.
Trong lộ trình phục hồi sản xuất kinh doanh hậu đại dịch Covid-19 đợt 4 nếu như tiến độ bao phủ vắc xin ở các địa phương được đẩy nhanh hơn, giới chuyên gia lưu ý có 2 thách thức lớn trước mắt mà các DN sản xuất ở Việt Nam đang gặp phải và cần phải được giải quyết.
Thứ nhất là các DN Việt Nam đang tìm kiếm phần lớn nguồn cung nguyên liệu từ các nước khác. Trong khi vấn đề này vốn đã và đang gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu container rỗng, lại thêm ảnh hưởng bởi sự kéo dài của các lệnh hạn chế về đi lại giữa Covid-19.
Để giải quyết thách thức trên, việc tìm kiếm nguồn cung ứng đòi hỏi các DN cần có các giải pháp công nghệ số và được quản lý cẩn thận hơn. Điều này nhằm giúp DN đưa vào trong dự toán các chi phí bị tăng lên và vấn đề thiếu nguồn cung ứng cho nguyên vật liệu.
Kể cả việc chuẩn bị cho tương lai khi đối mặt với gián đoạn nguồn cung, giới chuyên gia cho rằng các DN Việt cần phải biết cách phản ứng khi có sự thay đổi. Đặc biệt khi mọi DN trên khắp thế giới đang săn lùng các công nghệ tiên tiến giúp họ đưa ra các quyết định đúng đắn và nhanh chóng về nguồn cung.
Thứ hai là các nhà máy đang hoạt động với việc thiếu hụt lực lượng lao động dẫn đến giảm năng suất và hiệu quả thấp. Cho nên, các DN cần phải tìm cách để có thể quản lý quá trình chuẩn bị sản xuất từ xa càng nhiều càng tốt.
Bồi đắp khả năng ứng phó
Tại tọa đàm trực tuyến do Đại học RMIT và Deloitte phối hợp tổ chức hồi cuối tuần qua để bàn về vấn đề lao động thời kỳ hậu Covid-19, ông Abhishek Mathur, Phó tổng giám đốc nhân sự Công ty cổ phần VNG (một DN công nghệ ở Tp.HCM) cho biết, sẽ có nhiều cơ hội ở giai đoạn hậu Covid-19 để VNG tăng cường thu hút và phát triển nhân tài, cũng như áp dụng mô hình công sở kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Theo ông Mathur, công ty nhận thấy việc phân tích lực lượng lao động trong giai đoạn này là vô cùng hữu ích. Điều đó không chỉ trong việc đo lường hành vi và tăng kết nối nhân viên, mà còn cho mục đích giảm chi phí và nâng cao hiệu quả.
Còn theo Ts. Seng Kok (Đại học RMIT), việc các DN ở Việt Nam đầu tư vào vốn nhân lực cho tương lai hậu Covid-19 là rất quan trọng.
“Trong mọi nỗ lực đổi mới sáng tạo đang diễn ra hiện nay, quan trọng cần ghi nhớ rằng con người luôn là trọng tâm của bất cứ thay đổi thành công nào”, ông Kok nói.
Ngoài ra, giới chuyên gia cho biết, khi mọi nỗ lực tiêm chủng ở Việt Nam và trên thế giới đang được tiếp tục, giai đoạn “bình thường mới” hậu Covid-19 đợt 4 sẽ xuất hiện và những DN sản xuất đã số hóa thành công hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đầu cuộc đua.
Chẳng hạn như những công ty đang áp dụng giải pháp quản lý vòng đời sản phẩm thì hậu đại dịch, với việc đi đầu trong đổi mới có thể tăng tốc phát triển sản phẩm, giảm chi phí, tăng khả năng đáp ứng thị trường.
Thực tế cho thấy, để phục hồi sản xuất và tái duy trì khả năng cạnh tranh khi dịch Covid-19 đợt 4 được đẩy lùi, các DN Việt cần sớm có lộ trình công nghệ chuyển đổi kỹ thuật số thúc đẩy sự đổi mới, hợp lý hóa quy trình và giảm chi phí. Hơn nữa, cần phát triển chiến lược lực lượng lao động, khả năng thích ứng và linh hoạt trong kinh doanh.
Dựa trên bài học kinh nghiệm từ Việt Nam, châu Á và thế giới, ông Adrian Angus Ole, Giám đốc điều hành Deloitte Consulting Đông Nam Á cho rằng, thế giới đã thay đổi về căn bản. Tính ổn định phải nhường chỗ cho sự khó đoán định.
Cho nên, theo ông Ole, các DN Việt cần đẩy mạnh sử dụng những hiểu biết đúc kết từ dữ liệu để xây dựng các “tổ chức linh hoạt” nhằm bồi đắp khả năng ứng phó trước những tác động tiêu cực từ đại dịch.
Có thể nói, việc lên lộ trình phục hồi sản xuất kinh doanh hậu đại dịch Covid-19 đợt 4 đang cần sự nỗ lực từ phía DN để vượt lên những thách thức nội tại, nhằm có cách vận hành mới và thích ứng tốt hơn trước những biến đổi không ngừng.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.