Bà Nguyễn Thị Thương, thành viên lâu năm của HTX Gò Gòn ở xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, cho biết, nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã giúp cho bà và các thành viên HTX tham gia học các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGap. Sau khi học, mọi người đã ứng dụng hiệu quả vào việc trồng lúa sạch giúp năng suất cao hơn, thu lợi nhiều hơn.
Nông dân trồng lúa nắm chắc nghề
Trong năm 2020, HTX Gò Gòn đã thành công trong xây dựng thương hiệu Gạo Gốc Tím và có đầu ra khá tốt. Do được đào tạo kỹ thuật trồng lúa đạt chuẩn VietGap và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trong vài năm trở lại đây đã giúp nông dân nắm chắc nghề, năng suất trồng lúa của HTX ngày càng nâng lên.
Các nông dân huyện Tân Hưng học hỏi việc ứng dụng công nghệ cao vào chăm sóc đồng lúa VietGap. |
Điển hình như cách đây hơn 3 năm, hơn 2.000 tấn “Gạo sạch Gò Gòn” của HTX đã được một công ty xuất khẩu gạo bao tiêu và xuất khẩu sang Mỹ. Hiện HTX này có 520 thành viên, diện tích sản xuất đạt 560 ha và đang đẩy mạnh cơ giới hoá vào sản xuất lúa nhằm hạ giá thành, tăng lợi nhuận.
Được chọn tham gia vào dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) nên thời gian gần đây các thành viên HTX Gò Gòn đã được hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng lúa. Và HTX đang đẩy mạnh việc tập huấn cho khoảng 100 nông hộ để làm theo hướng VietGAP, nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Hiện nay, huyện Tân Hưng có 74.000 ha đất trồng lúa, hầu hết nông dân đều chủ động đầu tư máy móc từ khâu làm đất đến thu hoạch nông sản. Nhất là có hợp tác của một số doanh nghiệp đã tích cực đào tạo, hướng dẫn cho người nông dân sử dụng các trang thiết bị hiện đại khi đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Đây chính là một trong những tiêu chí đầu tiên của việc trồng lúa ứng dụng công nghệ cao ở huyện Tân Hưng, góp phần tăng năng suất, giảm sức lao động và nâng cao đời sống cho nông dân trồng lúa.
Bên cạnh đó, khi tham gia mô hình trồng lúa VietGap, nông dân trong huyện thường xuyên được tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa đạt hiệu quả cao và bền vững, an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng, an toàn cho môi trường và đảm bảo truy nguyên được nguồn gốc.
Đặc biệt là các nông dân thực hiện tốt việc ghi chép sổ nhật ký. Hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tạo mối liên kết 4 nhà, tăng giá trị nông sản và giảm giá thành sản xuất.
Năm nay, huyện Tân Hưng đang mở các lớp dạy nghề nông nghiệp cho học viên là lao động nông thôn và nông dân địa phương. Trong đó, có các lớp kỹ thuật trồng lúa ở xã Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B đang thu hút nhiều nông dân theo học.
Nuôi cá cũng nên học nghề
Nghề trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGap được cho là phù hợp với tình hình thực tế của các xã ở huyện Tân Hưng, sau khi được đào tạo người dân có thể ứng dụng trực tiếp vào sản xuất lúa trên cánh đồng của mình.
Huyện Tân Hưng đang đặt mục tiêu phát triển vùng lúa chất lượng cao trên 10.000ha, nên việc đào tạo nghề trồng lúa VietGap là rất cần thiết. |
Hiện nay huyện Tân Hưng có đưa ra mục tiêu phát triển vùng lúa chất lượng cao trên 10.000ha, mở rộng “cánh đồng mẫu lớn” áp dụng chặt chẽ giải pháp kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” để đảm bảo chất lượng lúa theo tiêu chuẩn VietGap. Chính vì vậy, việc đào tạo kỹ thuật trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGap ở huyện này là rất cần thiết.
Ngoài nghề trồng lúa thì nghề nuôi cá trên địa bàn huyện Tân Hưng cũng khá phát triển với hơn 1.000 hộ nuôi cá tra giống trên diện tích gần 1.800ha (diện tích mặt nước nuôi là 1.305ha).
Và theo dự kiến đến năm 2025 diện tích nuôi cá ở huyện sẽ là 2.597ha. Nghề nuôi cá đang phát triển tự phát đã dẫn đến có nhiều nông dân trong huyện thua lỗ là do nuôi tự phát, không theo quy hoạch, diện tích nuôi nhiều, người nông dân thiếu kiến thức về kỹ thuật ươm nuôi cá.
Nhất là trong quá trình ươm cá, người dân chủ yếu học tập kinh nghiệm lẫn nhau hoặc theo hướng dẫn của đại lý kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản, không theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Chính vì vậy, nhìn từ hiệu quả của việc dạy nghề trồng lúa VietGap, giới chuyên gia khuyến nghị chính quyền huyện Tân Hưng cần tăng cường đào tạo kỹ thuật nuôi cá cho người dân trong huyện. Nhất là nên thường xuyên tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân để nâng cao trình độ trong việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi cá đạt hiệu quả hơn.
Thanh Loan