Theo thống kê, trong giai đoạn từ 2010 – 2020, thực hiện đề án đào tạo lao động nông thôn, đã có gần 20% người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề và có việc làm. Trong đó có trên 10% trong tổng số hộ nghèo khi được đào tạo nghề có việc làm, có thu nhập ổn định và giảm nghèo một cách bền vững.
Biết cách ứng dụng KHCN vào sản xuất
Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết khi khảo sát ở các vùng nông thôn, các huyện nghèo, đã có rất nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, vừa là việc làm tại chỗ, vừa là việc làm chuyển dịch cho người lao động thành công.
Để phát triển bền vững, năng suất cao hơn, công tác đào tạo nghề không thể chỉ dừng ở đào tạo cơ bản |
Điển hình ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng… vừa đào tạo nghề vừa phát huy thế mạnh về sản xuất của địa phương gắn với các sản phẩm. Ví dụ, mô hình trồng na ở Lạng Sơn. Người nghèo ở Lạng Sơn trước đây chưa biết ứng dụng khoa học công nghệ hay áp dụng kiến thức vào trong sản xuất hay tính toán… Tuy nhiên, khi được đào tạo nghề, họ biết áp dụng, cách đưa sản phẩm ra thị trường...
Hay tại Cao Bằng có những vùng nguyên liệu rất tốt, nhưng trước đây, người nông dân chủ yếu sản xuất, canh tác theo hướng truyền thống. “Khi đưa đào tạo nghề vào, chúng tôi đã phải làm rất lâu, từ thay đổi nhận thức, cách làm, rồi phải xây dựng mô hình, vận động cán bộ, người có uy tín ở cộng đồng làm trước, sau đó cộng đồng thấy hiệu quả mới làm theo. Sau 2 – 3 năm xây dựng những mô hình, dần dần người dân địa phương bắt đầu nhận ra hiệu quả trong việc thay đổi cách thức sản xuất”, ông Độ cho hay.
Đặc biệt, sự ra đời của các mô hình HTX, tổ hợp tác đang cho thấy rõ vai trò của công tác đào tạo nghề. Điển hình như HTX Nông sản Tây Vĩnh Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) được thành lập từ tháng 5/2018 với 26 thành viên, vốn điều lệ là 210 triệu đồng, chỉ có 15ha cây ăn quả các loại, trồng không tập trung. Thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, chính quyền xã Vĩnh Thủy đã hỗ trợ 50 hộ dân là thành viên HTX cải tạo vườn tạp, bình quân mỗi hộ được nhận hỗ trợ 7 triệu đồng gồm cây giống và hệ thống tưới nước.
Bà Lê Thị Thuận, thành viên HTX Nông sản Tây Vĩnh Thủy cho biết: Khi địa phương triển khai chủ trương cải tạo vườn tạp, bà được đi tập huấn, hướng dẫn cách thức trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ... Từ đó, bà đã bàn bạc với gia đình cải tạo 1,5 sào đất vườn tạp để đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập.
Từ một số mô hình thí điểm ban đầu, đến nay, HTX Nông sản Tây Vĩnh Thủy đã phát triển được hơn 83ha cây ăn quả tập trung. Trong đó, riêng thanh long ruột đỏ chiếm 12ha, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường 72 tấn sản phẩm, đem lại nguồn thu trên 1,8 tỷ đồng.
Hay ở Sơn La, nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người nông dân, thời gian qua, địa phương đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, đào tạo nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Qua đào tạo nghề đã giúp nhiều nông dân có thêm kiến thức, kỹ năng ứng dụng vào sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Không nên chỉ dừng ở đào tạo ngắn hạn, sơ sài
Giai đoạn 2012-2022, toàn tỉnh Sơn La đã thực hiện đào tạo 59 ngành nghề cho trên 30.000 nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, trong đó đối tượng là nữ chiếm trên 46%; đối tượng hộ nghèo chiếm gần 20%; đối tượng hộ cận nghèo, người khuyết tật và đối tượng chính sách chiếm 17%; đối tượng là người dân tộc thiểu số, chiếm trên 77%... Một số nghề có số người đăng ký học chiếm tỷ lệ cao như: Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, lợn, gà; kỹ thuật sơ chế, bảo quản cây ăn quả; kỹ thuật trồng cây ăn quả trên đất dốc, trồng hoa chất lượng cao...
Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cũng cho rằng hiện ở Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung tuy cao, chiếm khoảng gần 70% nhưng số lao động qua đào tạo mà có bằng cấp, chứng chỉ còn khiêm tốn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Ông Đào Trọng Độ chia sẻ trước đây, khi nói đến vùng nghèo hay vùng dân tộc thiểu số, chúng ta hay nói đến chính sách hỗ trợ. Các chính sách mới dừng lại ở hướng tiếp cận cơ bản. Trong đào tạo nghề, nhiều địa phương mới tiếp cận cơ bản là dạy cho người lao động một nghề 3 tháng hoặc sơ cấp để họ tăng năng suất lao động việc làm tại chỗ, như nuôi con gà tốt hơn, biết mang ra chợ bán…
Thế nhưng để phát triển bền vững, năng suất cao hơn, không thể chỉ dừng ở đào tạo cơ bản, sơ cấp, dưới 3 tháng... mà phải có sự phân luồng đào tạo rõ ràng. Một bộ phận vẫn học những kỹ năng cơ bản, ví dụ những người lớn tuổi, đang làm việc tại chỗ như trồng lúa, chăn nuôi, làm thủ công thì có thể chỉ cần đào tạo để họ làm tốt hơn. Nhưng với lực lượng lao động trẻ, nếu không đào tạo trình độ cao sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, năng suất lao động chỉ dừng lại ở mức nào đó và chỉ làm việc tại chỗ. Trong khi, nếu tham gia vào chuỗi sản xuất, ví dụ như trồng lúa, muốn xuất khẩu sang các nước phát triển thì hàm lượng kỹ thuật, chất xám phải cao hơn, không thể chỉ là người nông dân đơn thuần mà phải có kiến thức khoa học kỹ thuật, có khả năng phân tích về môi trường, về điều kiện kỹ thuật, về hàm lượng, thậm chí hiểu về thị trường… Muốn được như vậy, phải đào tạo trình độ cao.
“Chỉ quan tâm đến đào tạo cơ bản, ngắn hạn sẽ không giải quyết được triệt để các vấn đề. Đối tượng lao động trẻ, mới tham gia thị trường lao động thì phải đào tạo trình độ cao mới giải quyết được căn cơ cái vòng luẩn quẩn kỹ năng thấp – thu nhập thấp. Chuẩn nghèo ngày một nâng lên, với thu nhập như vậy bây giờ, họ tạm hài lòng vì thoát nghèo nhưng mấy năm sau thu nhập cao lên, chuẩn nghèo cũng sẽ cao lên”, ông Độ nhấn mạnh.
Hoàng Quân