Thời gian qua, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả tích cực, với hàng trăm mô hình sản xuất mới hình thành, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần thay đổi kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Chủ động tạo việc làm tại chỗ
Để đảm bảo lao động có việc làm ngay, ổn định sau học nghề, các cơ quan đào tạo nghề của huyện đã phối hợp với địa phương để giới thiệu hoặc tư vấn việc làm cho học viên tại các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hoặc tự tin mở cơ sở sản xuất riêng để khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Quân, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh hiện đang sở hữu hơn 2.400 gốc bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, chia sẻ trồng bưởi đòi hỏi nhiều kỹ thuật, vì vậy khi địa phương mở lớp tập huấn, ông đã chủ động xin tham gia.
Đặc biệt, trong quá trình học nghề, ông Quân được giới thiệu đến Tổ hợp tác sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh để học hỏi kinh nghiệm. Tại đây, ông được chia sẻ về quy trình canh tác bưởi theo quy trình VietGAP, học cách tiêu diệt sâu bệnh hại bằng các loại thiên địch, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn…
Các địa phương đang chú trọng công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm ngay sau đào tạo. |
“Nhờ được tham gia các lớp dạy nghề của tổ hợp tác và địa phương, tôi nắm vững quy trình sản xuất sạch, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá bán cũng theo đó cao và ổn định hơn. Hiện, hơn 2.000 gốc bưởi nhà tôi đang cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm”, ông Quân phấn khởi nói.
Thông qua các chương trình đào tạo nghề, huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện nhiều mô hình thí điểm như: nuôi cá nước ngọt (xã Khánh Trung), kỹ thuật thú y, kỹ thuật trồng cây công nghiệp (xã Cầu Bà và xã Liên Sang), mộc dân dụng, mộc điêu khắc (thị trấn Khánh Vĩnh)… Các mô hình này đã đem lại hiệu quả cao và được nhân rộng.
Theo thống kê, trong 10 năm qua, huyện Khánh Vĩnh đã mở 62 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp gồm may công nghiệp, sửa chữa xe máy, mây tre lá, xây dựng, mộc, hàn, chế biến thủy sản, nấu ăn… cho hơn 1.700 người; đào tạo nghề trồng cây ăn quả cho 737 lao động. Đặc biệt, hơn 90% lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện có việc làm ổn định.
Đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã thấy rõ, nên trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai đề án giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Chú trọng hoạt động sau đào tạo
Cũng có được thành công tích cực trong đào tạo nghề, đặc biệt là giải bài toán việc làm sau dạy nghề là xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, với thế mạnh trong lĩnh vực nông – lâm – tiểu thủ công nghiệp.
Làng nghề đan đát Phước Quới đang là điểm sáng làm nghề hiệu quả của xã Phú Tân. Trước đây, bà con Phước Quới rất nghèo, đa số bà con sống dựa vào nông nghiệp là chính nhưng vẫn không đủ ăn. Nhờ nghề đan đát với những mặt hàng rổ, rá, nia, sàn, cần xé… được tiêu thụ khắp vùng, tỷ lệ hộ nghèo ở đây đã giảm đáng kể.
Để phát triển bền vững nghề đan đát, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, xã đã vận dụng các nguồn lực hỗ trợ để thành lập HTX làng nghề Phú Tân. Hiện, các thành viên tham gia HTX được vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo và góp vốn cho nhau mượn xoay vòng không tính lãi để mua thêm nguyên liệu, máy móc tăng năng suất.
Chị Thạch Thị Phuông, thành viên HTX làng nghề Phú Tân, chia sẻ: "Trước đây, nhà tôi nghèo lắm, về làm dâu làng này, không nghề nghiệp, ruộng vườn thì ít, ngày nào hai vợ chồng cũng đi làm thuê. Khi vào HTX được dạy nghề, vay vốn phát triển sản xuất, kinh tế gia đình mới dần ổn định”.
Hiện, bên cạnh nghề đan đát cho thu nhập ổn định 4 – 5 triệu/tháng, chị Phuông phát triển thêm nghề chăn nuôi heo. Với kiến thức từ lớp tập huấn chăn nuôi an toàn sinh thái của xã, chị duy trì đàn heo gần 30 con/lứa, cho giá trị trên 50 triệu đồng/năm.
Tương tự, công tác dạy nghề tại Bắc Kạn thời gian qua cũng được chú trọng với các hoạt động thiết thực sau quá trình đào tạo nhằm tăng tỷ lệ lao động có việc làm, thu nhập cao. Một trong những điểm nhấn của tỉnh là công tác đào tạo nghề cho phụ nữ.
Theo đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, việc kết nối với các doanh nghiệp, thành lập các HTX là hoạt động được đẩy mạnh sau đào tạo, nhằm tạo việc làm, tạo điểm tựa cho các hội viên xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập.
Đơn cử, sau khi được hỗ trợ thành lập, HTX 20/10 đã giúp hàng chục lao động nữ được học nghề tự tin khởi nghiệp với mô hình sản xuất bún khô, mang thương hiệu “sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”.
Kể từ khi thành lập năm 2013, đến nay, 100% thành viên HTX đã thoát nghèo, nhiều hộ khá giả. Sản phẩm bún khô của HTX đạt giải thưởng “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” vào năm 2016. Để sản phẩm không bị làm nhái, HTX đã đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ thương hiệu, logo, mã số, mã vạch, thiết kế mẫu mã bao bì đủ tiêu chuẩn có thể đưa sản phẩm vào siêu thị và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Có thể nói, các chính sách hỗ trợ học nghề, gắn với giải quyết việc làm đang như một luồng gió mới giúp các địa phương thay đổi diện mạo kinh tế-xã hội. Theo đó, cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn để đẩy mạnh, phát huy hiệu quả của công tác đào tạo nghề trong thời gian tới.
Minh Nhất