Năm 2020, anh Triệu Tài Văn, dân tộc Dao ở thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn tham gia lớp học nghề kỹ thuật xây dựng do huyện tổ chức. Mặc dù thời gian học nghề chỉ 3 tháng, nhưng anh Văn đã nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật cơ bản trong nghề xây dựng. Sau thời gian học nghề, anh kết hợp với một nhóm các anh em cùng làm nghề xây dựng trong thôn trực tiếp nhận các công trình để có thêm thu nhập.
Mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp
Tương tự, năm 2016, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề chăm sóc và phòng trị bệnh cho lợn, chị Đặng Thị Hòa, ở thôn Khau Chủ, xã Đồng Thắng đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại, phát triển mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn hàng trăm con.
Cũng như nhiều nông dân khác, trước đây khi chưa được đào tạo nghề chị vẫn chăn nuôi theo phương thức, tập quán cũ, vì vậy hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Giờ đây, khi đã được đào tạo nghề, nắm được kỹ thuật chăn nuôi, chị đã biết cách chọn lựa con giống tốt, chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn lợn của gia đình. Chăn nuôi lợn nay đã góp phần thu nhập đáng kể cho gia đình.
Tổ chức các lớp dạy nghề theo tinh thần “dạy những cái nông dân cần". |
Đáng chú ý, thông qua các mô hình kinh tế như HTX, cơ sở sản xuất để giúp nông dân có thể vừa được học nghề, vừa được thực hành. Theo thống kê, toàn huyện Chợ Đồn hiện có hơn 40 HTX, chủ động triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa chủ lực của địa phương; một số HTX đã tích cực đẩy mạnh công tác sản xuất gắn với đào tạo nghề.
Chị Giá Thị Luân, Giám đốc HTX Hồng Luân, xã Tân Lập cho biết: Bản thân chị vừa là Giám đốc của HTX Hồng Luân chuyên sản xuất bún khô, vừa là người trực tiếp bán các sản phẩm OCOP của huyện. Khi mới thành lập HTX, chị rất lo lắng vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, được huyện quan tâm hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt được đào tạo thêm về chuyên môn… đã giúp những cơ sở sản xuất như HTX Hồng Luân có thêm động lực, quyết tâm để mở rộng quy mô sản xuất. Cùng với quá trình mở rộng quy mô, HTX tổ chức đào tạo nghề cho hàng trăm lao động, thành viên HTX mỗi năm, từ đó ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Huyện Chợ Đồn xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Hằng năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Chợ Đồn cũng đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân các địa phương, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển sinh và phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề theo nhu cầu.
Đào tạo hàng trăm lao động mỗi năm
Bình quân mỗi năm, huyện Chợ Đồn đào tạo cho trên 450 lao động nông thôn, nhiều nghề có tỷ lệ tìm được việc làm cao như: Sửa chữa xe máy; xây dựng dân dụng, cơ khí… Đối với các nghề nông nghiệp, học viên sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi, từ đó tăng nguồn thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đặc biệt, ông Hứa Văn Chấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Chợ Đồn, cho biết: Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương, hàng năm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Chợ Đồn đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân các địa phương, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển sinh và phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề theo tinh thần “dạy những cái nông dân cần".
Theo đó, với lao động trẻ thì hướng nghiệp cho họ học những ngành nghề nhằm chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp để có thể làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đối với lao động có điều kiện sản xuất thì hướng nghiệp cho họ bằng cách học nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại chỗ như các mô hình chăn nuôi, trồng trọt… nâng cao năng suất và thu nhập cho người lao động.
Trung tâm đã thực hiện phân nhóm đối tượng để tổ chức đào tạo đa dạng các ngành nghề, phù hợp với lứa tuổi và các nhóm đối tượng, liên kết, phối hợp với các trường nghề trong và ngoài tỉnh xây dựng hệ thống chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy theo hướng gọn nhẹ, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng, tổ chức các lớp đào tạo nghề lưu động, giảng dạy ngay tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các học viên tham gia học nghề.
Báo cáo về kết quả đào đạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của huyện Chợ Đồn giai đoạn 2010 – 2015 cho thấy, toàn huyện đã có 2.859 lao động nông thôn được đào tạo nghề (đạt 142,99%), trong đó số lao động được đào tạo nghề nông nghiệp là gần 1900 lao động, đào tạo nghề phi nông nghiệp được 977 người, tỷ lệ người lao động có việc làm sau khi học nghề đạt trên 90,3%. Giai đoạn 2016 – 2020 đã có trên 2200 lao động được đào tạo nghề, trong đó nhu cầu chủ yếu của học viên là các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp với trên 1.400 lao động tham gia học, có trên 800 lao động tham gia các ngành nghề phi nông nghiệp. Nhiều học viên sau khi học nghề đã mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất mới như HTX, mang lại việc làm và thu nhập lâu dài.
Ông Ma Doãn Kháng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, thời gian tới, huyện Chợ Đồn sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề. Tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình học nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm giới thiệu và giúp học viên tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định sau đào tạo góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập giảm nghèo bền vững của huyện.
Thy Lê