Ma Nới là địa phương có đông đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Để giúp người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số có việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập... Những năm qua, xã đã chú trọng công tác đào tạo nghề ngắn hạn, phù hợp với những mô hình sản xuất và điều kiện thực tế ở từng vùng.
Dạy nghề theo nhu cầu
Kể từ năm 2019, xã Ma Nới đã được huyện Ninh Sơn hỗ trợ mở hơn 10 lớp đào tạo nghề cho gần 300 lao động nông thôn với đa phần là dân tộc thiểu số, phổ biến nhất ở các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và chăm sóc cây công nghiệp.
Với 2 - 3 tháng được đào tạo, tiếp cận và tham quan trực tiếp để học hỏi từ các mô hình điểm, các học viên được trang bị những kiến thức cơ bản liên quan đến ngành nghề sẽ phát triển trong tương lai.
Dạy nghề nông thôn ở Ma Nới đang cho thấy hiệu quả tích cực (Ảnh TL). |
Anh Pinăng Đại, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp thôn Gia Rót, cho biết trước đây trên diện tích 6 sào, gia đình anh canh tác đủ loại cây trồng nhưng năng suất đạt thấp, lợi nhuận thu về không cao.
Từ khi áp dụng những kiến thức học được qua lớp tập huấn của xã, gia đình anh đã trồng thành công 6 sào bắp giống NK-7328, áp dụng quy trình kỹ thuật gieo trồng theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, đào giếng trữ nước chống hạn cho bắp.
Theo đó, khi thời tiết nắng hạn, 6 sào bắp của gia đình anh Pinăng Đại vẫn phát triển tốt, năng suất cao. Đặc biệt, các sản phẩm sau khi làm ra được tổ hợp tác hỗ trợ bao tiêu nên thu nhập liên tục được cải thiện.
“Thay đổi lớn nhất sau các khóa đào tạo nghề là các hộ vững tin chuyển đổi sang những mô hình sản xuất mới, đủ khả năng ứng dụng khoa học – kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi”, anh Pinăng Đại chia sẻ.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, xã Ma Nới cũng đẩy mạnh phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về du lịch sinh thái cho người dân địa phương. Đây là hướng đi mới đang được xã chú trọng đầu tư, hướng đến mở rộng để tạo thêm thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, trong năm 2020, xã còn được huyện Ninh Sơn hỗ trợ tổ chức tập huấn cho 90 hộ đồng bào thiểu số có hợp đồng chăn nuôi bò cái sinh sản về kỹ thuật chăn nuôi gia súc. Sau khi học tập, đa số các hộ đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi.
Tiếp đà nhân rộng
Hiệu quả của các chương trình đào tạo nghề nông thôn ngắn hạn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đã giúp xã Ma Nới xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Xã sẽ tiếp tục hỗ trợ để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Ảnh TL). |
Theo thống kê, kể từ năm 2015 đến nay, đã có gần 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Ma Nới thoát nghèo thông qua các chương trình giảm nghèo và tạo sinh kế, dạy nghề. Đáng chú ý là tốc độ giảm nghèo năm sau luôn cao hơn năm trước.
Đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, đến nay tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề trên địa bàn xã mới chỉ đạt xấp xỉ 40%. Vì vậy, việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo là việc cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Đại diện UBND xã Ma Nới cho hay, trong giai đoạn 2021 – 2025, xã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo lên trên 70%. Để hoàn thành, xã tiếp tục vận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo, nông thôn mới để mở các lớp đào tạo, dạy nghề ngắn hạn.
Xã cũng sẽ nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác, hỗ trợ các tổ hợp tác “lên đời” HTX nhằm nâng cao năng lực sản xuất của người dân, mở ra những cơ hội việc làm với thu nhập ổn định sau khi tham gia học nghề.
Hưng Nguyên